Triển khai ứng dụng chữ ký số trong hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm

08/10/2021
Triển khai ứng dụng chữ ký số trong hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm
Trong thời kỳ đổi mới đất nước, cải cách thủ tục hành chính được Đảng, Nhà nước xác định là một trong những nhiệm vụ chiến lược để đưa nước ta phát triển nhanh chóng và bền vững. Với sự ra đời của Luật Giao dịch điện tử năm 2005, chữ ký điện tử là một giải pháp tích cực và hiệu quả trong công tác cải cách thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm để hướng đến một hệ thống đăng ký hiện đại.
 

 
Nhằm góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, hoàn thiện một bước dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong công tác đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản không phải là tàu bay, tàu biển, đặc biệt để người dân, doanh nghiệp, cơ quan đăng ký thật sự an toàn trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid -19, trong thời gian qua, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã triển khai chỉnh sửa và hoàn thiện phần mềm đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm nhằm đáp ứng tốt hơn nữa hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, đồng thời cho phép trả kết quả đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm thông qua việc áp dụng chữ ký số và chứng thư số được Ban Cơ yếu Chính phủ cấp và xác thực.

Việc trả kết quả đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng văn bản điện tử được ký số (gọi là văn bản điện tử) được triển khai thống nhất tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm từ ngày 04/10/2021. Các yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin được thực hiện qua hệ thống đăng ký trực tuyến sẽ được các Trung tâm Đăng ký trả kết quả đăng ký bằng văn bản điện tử. Đồng thời, kết quả đăng ký bằng văn bản điện tử cũng được lưu trữ trên hệ thống đăng ký trực tuyến theo tài khoản của khách hàng đã đăng ký, theo đó, khách hàng dễ dàng đăng nhập vào hệ thống và tải về kết quả đăng ký bằng văn bản điện tử nếu có nhu cầu sử dụng.  Ngoài ra, đối với khách hàng thực hiện đăng ký, yêu cầu cung cấp thông tin qua phương thức nộp trực tiếp, gửi qua bưu điện hoặc thư điện tử cũng đều có thể được Trung tâm Đăng ký trả kết quả đăng ký bằng văn bản điện tử nếu có yêu cầu và đăng ký hình thức trả kết quả này.

Có thể nói, việc triển khai ứng dụng chữ ký số trong hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa quan trọng, một mặt đây là biện pháp quan trọng trong phòng chống dịch Covid -19, mặt khác giải pháp này mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý, điều hành, nâng cao mức độ an toàn, bảo mật cho giao dịch điện tử giữa các cơ quan quản lý hành chính nhà nước trên môi trường mạng; giảm đáng kể chi phí giấy, mực, gửi văn bản qua đường bưu điện và giảm công lao động. Hiện nay, tỷ lệ đăng ký trực tuyến trên Hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã đạt trên 80%, nếu việc áp dụng chữ ký số hiệu quả, trong thời gian tới, tỷ lệ trực tuyến này sẽ còn tiếp tục được nâng cao hơn nữa, góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính của Bộ, ngành Tư pháp.

Cùng với quá trình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, trao đổi văn bản, tài liệu của cơ quan nhà nước trong nội bộ cơ quan, việc triển khai ứng dụng chữ ký số trong hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm sẽ góp phần xây dựng môi trường làm việc hiện đại, minh bạch trong cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử. Với phương châm “Không để người dân, doanh nghiệp chờ lâu”, việc ứng dụng chữ ký số trong hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản là kết quả của quá trình ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, kết quả của sự nỗ lực nghiên cứu, cải tiến quy trình trong thực hiện thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức đăng ký biện pháp bảo đảm để được nhận kết quả đăng ký một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất.
 
Hà Trọng Bắc