Từ ngày 21 đến ngày 26 tháng 01 năm 2007, Đoàn Công tác liên ngành do Bộ Tư pháp chủ trì đã làm việc với UBND các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum về công tác soạn thảo, ban hành, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật.
Nội dung làm việc tập trung vào các mặt công tác: xây dựng và hoàn thiện thể chế; kiện toàn tổ chức, bố trí biên chế; bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ; tình hình triển khai và kết quả công tác chuyên môn, nghiệp vụ (gồm: soạn thảo, ban hành văn bản; tự kiểm tra văn bản do HĐND và UBND cấp tỉnh ban hành; kiểm tra theo thẩm quyền đối với văn bản do cấp huyện ban hành; rà soát, hệ thống hoá văn bản); bảo đảm kinh phí và các điều kiện bảo đảm khác cho công tác soạn thảo, ban hành, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật;… Đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, những giải pháp trước mắt và lâu dài để củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác văn bản nói chung tại địa phương.
Theo báo cáo của các địa phương, sau khi có Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND năm 2004 và Nghị định số 135/2003/NĐ-CP về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, các địa phương đã xác định tầm quan trọng của công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế ở địa phương. Hàng năm, các tỉnh đều ban hành Chương trình, Kế hoạch xây dựng văn bản ở địa phương, công tác xây dựng văn bản hầu hết đã bám sát theo các Chương trình, Kế hoạch này (Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum). Riêng tỉnh Đắk Lắk, tỉ lệ văn bản ban hành theo đúng Chương trình, Kế hoạch còn thấp (dưới 50%), còn nhiều văn bản ban hành ngoài Chương trình, Kế hoạch. Nhìn chung, công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật cơ bản đã thực hiện theo trình tự, thủ tục luật định, hầu hết các Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đều chuyển qua Sở Tư pháp thực hiện thẩm định trước khi ban hành.
Công tác kiểm tra, xử lý văn bản dần đi vào nề nếp và ngày càng được chú trọng, có chất lượng tốt hơn và đã có tác động tích cực, hiệu quả đến việc nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, ban hành văn bản tại các sở, ngành ở địa phương và nâng cao vai trò của cơ quan tư pháp và tổ chức pháp chế trong công tác xây dựng, ban hành văn bản. Ngoài việc tự kiểm tra hầu hết các văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành, kiểm tra theo thẩm quyền các văn bản do cấp huyện gửi đến, các tỉnh đều tổ chức những đợt kiểm tra theo thẩm quyền ở cấp huyện (riêng Đắk Nông đã tổ chức kiểm tra ở tất cả các huyện, thị xã).
Công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và việc tổ chức thực hiện đã đi vào bài bản, có chất lượng tốt. Đắk Lắk, Gia Lai đã tiến hành rà soát và công bố danh mục văn bản hết hiệu lực thi hành, kết quả rà soát được cập nhật trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh. Tuy nhiên, công tác rà soát vẫn chưa được tiến hành thường xuyên mà chủ yếu là thực hiện theo từng đợt thông qua các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tư pháp.
Theo phản ánh của các địa phương, tình trạng thiếu biên chế, quá tải công việc, nhất là đối với Phòng Tư pháp cấp huyện và cán bộ Tư pháp - Hộ tịch cấp xã (việc giao thêm nhiệm vụ chứng thực cho Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch đã đẩy cán bộ tư pháp cấp huyện, cấp xã buộc phải giành nhiều thời gian cho công việc này, không còn nhân lực và thời gian để triển khai thực hiện các nhiệm vụ tư pháp khác ở cơ sở). Cán bộ pháp chế sở, ngành chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa bố trí được biên chế chuyên trách. Các địa phương đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành hữu quan quan tâm tháo gỡ. Cũng theo Báo cáo của các địa phương, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức làm công tác văn bản nói chung chưa đồng đều và nhiều trường hợp chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Ngoài ra, một số quy định của văn bản cấp trên chưa rõ ràng, thống nhất (như chưa làm rõ được khái niệm “Văn bản quy phạm pháp luật” nên quá trình tác nghiệp ở địa phương gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn -phân biệt văn bản QPPL và văn bản không phải là văn bản QPPL).
Các địa phương kiến nghị Bộ Tư pháp cần thường xuyên mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ địa phương, phối hợp với các bộ, ngành rà soát và công bố những văn bản của trung ương đã hết hiệu lực thi hành. Ngoài ra, tỉnh Kon Tum còn kiến nghị cần sửa đổi Luật ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND theo hướng không quy định UBND cấp huyện và cấp xã ban hành văn bản QPPL, các cơ quan khác chỉ ban hành một hình thức văn bản QPPL, bỏ hình thức văn bản QPPL là chỉ thị.
Sau khi nghe các địa phương báo cáo và trên cơ sở kết quả trao đổi, thảo luận trực tiếp tại các buổi làm việc với từng địa phương, đại diện Đoàn Liên ngành đã kịp thời thông tin, giải đáp những vướng mắc, đồng thời, đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt việc xây dựng và hoàn thiện thể chế về soạn thảo, ban hành, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL; tổ chức biên chế; kinh phí và các điều kiện bảo đảm... Đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, chủ động tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức làm công tác văn bản tại địa phương. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ công tác chuyên môn, nghiệp vụ, bám sát nhiệm vụ chính trị, xã hội ở địa phương, tránh sa vào chuyên môn thuần túy; thường xuyên thông tin về những khó khăn, vướng mắc để kịp thời có biện pháp tháo gỡ, chia sẻ những kinh nghiệm hay, tạo điều kiện cho công tác này ngày càng đạt kết quả, hiệu quả tốt hơn./.
Lê Tuấn Phong