Chung sức, chung lòng đưa chính sách pháp luật đi vào cuộc sống

29/01/2008
Chung sức, chung lòng đưa chính sách pháp luật đi vào cuộc sống
"Với nhiệm vụ nặng nề đặt ra đối với ngành Tư pháp trong năm 2008, chúng tôi mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục ủng hộ và phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành Tư pháp để tổ chức tốt công tác thông tin tuyên truyền pháp luật và hoạt động tư pháp, chung sức, chung lòng đưa chính sách pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống". Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã chân thành đề nghị các Cơ quan báo chí như vậy tại buổi gặp gỡ báo chí nhân dịp Xuân Mậu Tý được Bộ Tư pháp tổ chức ngày 29/1. Tham dự buổi gặp gỡ còn có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và đại diện đông đảo các cơ quan báo chí.

TƯ PHÁP - BÁO CHÍ: NGƯỜI BẠN ĐỒNG HÀNH

Trao đổi với các cơ quan báo chí nhân buổi gặp mặt, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, năm 2007 vừa qua, công tác tư pháp được toàn Ngành triển khai đồng bộ, rộng khắp. Một số lĩnh vực đạt kết quả tốt, nổi bật như công tác soạn thảo, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); thi hành án dân sự; hành chính tư pháp; bổ trợ tư pháp… Điều phấn khởi là tất cả những chuyển động tích cực trong các mặt công tác này đều được báo chí phản ánh, biểu dương kịp thời.

Bộ trưởng cho biết thêm, trong công tác soạn thảo, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, năm qua, ngành Tư pháp đã hoàn thành cơ bản các dự án, dự thảo VBQPPL được giao chủ trì soạn thảo theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, HĐND và UBND các địa phương. Nhìn chung, tiến độ thẩm định, góp ý đã bảo đảm thời gian luật định. Ý kiến thẩm định đã bám sát nội dung thẩm định theo quy định, nhiều ý kiến thẩm định đã chú trọng đến tính phản biện, phát hiện những vấn đề ở tầm chính  sách. Công tác kiểm tra, sà soát, hệ thống hóa VBQPPL đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần bảo đảm trật tự, kỷ cương trong hoạt động xây dựng, ban hành văn bản, từng bước hạn chế tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, khẳng định vị thế của cơ quan tư pháp, tổ chức pháp chế Bộ, ngành, địa phương trong công tác văn bản.

Cũng trong thời gian này, công tác thi hành án dân sự tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ thi hành xong hoàn toàn đạt 69% về việc, 55% về tiền trong số các việc có điều kiện thi hành. Một số việc phức tạp, khiếu nại kéo dài đã được giải quyết dứt điểm. Thủ tục thi hành án tiếp tục được rà soát, điều chỉnh hợp lý theo hướng đơn giản, thuận lợi hơn cho người dân.

Trong công tác hành chính tư pháp, việc triển khai thực hiện các văn bản như Luật Công chứng, Nghị định số 79 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, Nghị định số 158 về quản lý và đăng ký hộ tịch đã tạo nhiều thuận lợi cho người dân. Thời gian giải quyết  yêu cầu chứng thực được rút ngắn. Tình trạng công chứng quá tải tồn tại nhiều năm qua đã giảm hẳn. Tỷ lệ đăng ký khai sinh, khai tử và đăng ký kết hôn cao hơn so với năm  2006. Công tác bổ trợ tư pháp đã chú trọng việc xã hội hóa hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật, đấu giá tài sản, giám định tư pháp; tiếp tục phát triển mạnh mạng lưới tổ chức, kiện toàn đội ngũ, nâng cao năng lực hoạt động để phục vụ đắc lực hơn các nhiệm vụ của cải cách tư pháp, hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức và người dân. Các mặt công tác khác cũng có nhiều kết quả đáng khích lệ. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý tiếp tục hướng mạnh về cơ sở. Hình thức phổ biến giáo dục pháp luật có nhiều cải tiến; tăng cường trợ giúp pháp lý lưu động, hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý được nâng lên. Nhiều kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền được xem xét, giải quyết, qua đó bảo vệ được quyền và lợi ích của người được trợ giúp pháp lý…

Bên cạnh những kết quả này, công tác tư pháp năm 2007 vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế mà báo chí đã phản ánh và ngành Tư pháp cũng kịp thời nhìn nhận, rút  kinh nghiệm. Tuy nhiên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định, sự thông tin kịp thời của báo chí là nguồn động viên rất lớn đối với những người làm công tác tư pháp. Báo chí không chỉ là người bạn đồng hành, mà còn là động lực góp phần giúp ngành Tư pháp hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình.

TUYÊN TRUYỀN MẠNH 3 GIẢI PHÁP MANG TÍNH ĐỘT PHÁ

Xuân Mậu Tý này là năm đầu tiên Bộ trưởng Hà Hùng Cường gặp gỡ đại diện các cơ quan báo chí trên cương vị là người đứng đầu Bộ Tư pháp.

Bộ trưởng nhấn mạnh, năm 2008 có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, là năm bản lề của Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm (2006 - 2010) với quyết tâm của Chính phủ phấn đấu đạt các chỉ tiêu cơ bản về Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, đưa nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển trước năm 2010. Đối với ngành Tư pháp, năm 2008 cũng là năm bản lề trong việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các Nghị quyết của Đảng về Chiến lược cải cách tư pháp, Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, triển khai sâu rộng các văn bản pháp luật mới liên quan đến tổ chức và hoạt động của Ngành. Đây là năm có nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi cho Ngành phát triển, đồng thời cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức mới.

Do đó, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, trong năm 2008, ngành Tư pháp sẽ triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình, tập trung làm tốt các nhiệm vụ trong Chương trình công tác trọng tâm của ngành Tư pháp năm 2008, áp dụng đồng bộ các giải pháp, nhưng đặc biệt nhấn mạnh tới 3 giải pháp mang tính đột phá để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong các lĩnh vực của Ngành.

Thứ nhất: đẩy mạnh công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa các văn bản QPPL, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thứ hai: Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là các giải pháp mang tính đột phá, thực sự tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác thi hành án dân sự theo Nghị quyết của Quốc hội. Trong công tác đột phá này, Bộ Tư pháp lại đặt ra nhiều nhiệm vụ và mục tiêu rất cụ thể như: tập trung giải quyết một bước căn bản số việc thi hành án dân sự tồn đọng, hạn chế làm phát sinh việc tồn đọng mới, tiếp tục phấn đấu thi hành xong hoàn toàn đạt 75% về việc và 55% về tiền trong số việc có điều kiện thi hành. Phấn đấu giảm 10 đến 15% số lượng việc thi hành án tồn đọng so với năm 2007. Tập trung chỉ đạo điểm để thực sự tạo chuyển biến cơ bản trên địa bàn Hà Nội, nâng cao hiệu quả thi hành án trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo về công tác thi hành án dân sự; tập trung giải quyết dứt điểm một số vụ việc khiếu nại tồn đọng, phức tạp, kéo dài; giảm thiểu các vụ việc khiếu nại mới phát sinh, nếu có thì phải kịp thời giải quyết từ cơ sở. Mặt khác, triển khai xây dựng Đề án về việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để giao cho Bộ Tư pháp thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành án; thực hiện thí điểm Đề án Thừa phát lại ở thành phố Hồ Chí Minh, rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai ở một số địa phương khác có số lượng việc thi hành án lớn. Đặc biệt, Bộ trưởng mong muốn các cơ quan báo chí quan tâm hơn nữa tới quá trình xây dựng dự án Luật Thi hành án dân sự, với mục tiêu xây dựng được một thiết chế về công tác thi hành án dân sự xứng tầm với nhiệm vụ đặt ra.

Giải pháp đột phá thứ ba được ngành Tư pháp xác định là: tiếp tục lộ trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tập trung cao độ việc hoàn thiện thể chế của Ngành, kiện toàn bộ máy và nhân sự của các cơ quan tư pháp các cấp. Trong thời gian tới, ngành Tư pháp sẽ cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong thực hiện các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ngành, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với các hoạt động tư pháp.  Đồng thời, đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động công chứng, giám định tư pháp; xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, nhất là tư pháp cấp huyện, cấp xã và cán bộ thi hành án trong sạch, vững mạnh, đủ sức đảm đương nhiệm vụ.

Bộ trưởng hy vọng trong thời gian tới, các phương tiện thông tin đại chúng sẽ là cầu nối hữu hiệu, chuyển tải kịp thời thông tin về những nỗ lực của ngành Tư pháp tới mọi người dân.

Phát biểu tại  buổi gặp mặt, đại diện các cơ quan báo chí rất hoan nghênh phương hướng và những quyết tâm của ngành Tư pháp trong năm 2008 và mong muốn Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan báo chí trong quá trình cung cấp thông tin cũng như phản hồi thông tin về các mặt hoạt động của ngành Tư pháp. Bởi mục đích chung mà hai bên cùng hướng tới là làm tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật và hoạt động tư pháp, đưa chính sách pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống sao cho hoạt động tư pháp ngày càng thiết thực, hiệu quả.

Hồng Thúy