Trình bày báo cáo công tác năm 2007, ông Nguyễn Văn Thảo - Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp đã nêu một số kết quả nổi bật của Vụ trên 4 mảng hoạt động. Trong công tác quản lý luật sư, thành công nhất là Vụ đã xây dựng Đề án thành lập tổ chức Luật sư toàn quốc (đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt) và Chương trình khung đào tạo nghề luật sư (đã được Bộ trưởng ký quyết định ban hành).
Bên cạnh đó, đã hoàn thành việc xây dựng một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật luật sư, về hoạt động tham gia tố tụng của luật sư; Kế hoạch và Đề cương Đề án về chiến lược phát triển đội ngũ luật sư đến năm 2020 (theo yêu cầu của Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp). Năm 2007, Vụ Bổ trợ tư pháp đã tổ chức 7 kỳ kiểm tra hết tập sự cho gần 1 ngàn người tập sự hành nghề luật sư, đã cấp 949 chứng chỉ hành nghề luật sư. Tính đến hết năm 2007 tổng số luật sư trên cả nước là hơn 4200 người, với 1413 tổ chức hành nghề luật sư, trong đó có 1298 văn phòng luật sư, 25 công ty luật hợp danh và 90 công ty luật TNHH. Vụ đã phối hợp với Học viện tư pháp tổ chức 3 đào tạo nghề luật sư với khoảng 1500 học viên, nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức hội nhập, kỹ năng tranh tụng cho 850 luật sư, cán bộ, cộng tác viên Trung tâm trợ giúp pháp lý. Trong quản lý hoạt động của luật sư nước ngoài, Vụ đã hướng dẫn, thẩm định và trình Bộ trưởng cấp phép hành nghề luật sư tại Việt Nam cho các luật sư và tổ chức luật sư nước ngoài. Đến nay đã có 36 chi nhánh, 16 Công ty luật và 120 luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam.
Trong công tác giám định tư pháp, ngoài việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, Vụ đã hướng dẫn các địa phương tiếp tục rà soát và đề nghị cấp thẻ giám định viên tư pháp. Tính đến nay đã cấp 1530 thẻ giám định viên, nâng số thẻ được cấp lên con số 2040 trên toàn quốc.
Công tác bán đấu giá tài sản với sự kiện toàn của các Trung tâm bán đấu giá tài sản trên cả nước đã làm lợi cho nhà nước 130 tỷ đồng. Công tác quản lý tư vấn pháp luật và trọng tài thương mại cũng có những chuyển biến tích cực.
Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đánh giá cao những kết quả của Vụ Bổ trợ tư pháp trong năm 2007, với số lượng chỉ có 16 người (một trong những đơn vi ít biên chế nhất trong Bộ- PV) thì đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên, so với yêu cầu của xã hội thì còn nhiều vấn đề về chất lượng luật sư , giám định viên...cần phải giải quyết. Thứ trưởng chỉ đạo: Vụ phải có chiến lược về cán bộ, chứ hiện nay như vậy là rất thiếu. Ví dụ như cả mảng giám định tư pháp mà chỉ có hai nữ chuyên viên theo dõi, quản lý. Tại sao chúng ta không sử dụng chính những người làm giám định, đưa về bồi dưỡng để làm công tác quản lý hay ít ra làm cộng tác viên giúp chúng ta trong công tác quản lý? Thứ trưởng cũng bày tỏ sự tin tưởng sự phát triển của các trung tâm trọng tài thương mại, khi mà nền kinh tế ngày càng phát triển, đây sẽ là giải pháp tối ưu cho các cá nhân, tổ chức lựa chọn khi có tranh chấp. Muốn làm được điều đó công tác quản lý phải nâng tầm lên một bước.
* Cũng trong chiều 28/1/2008, Cục đăng ký quốc gia GDBĐ đã tổ chức triển khai công tác năm 2008. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đã dự và phát biểu chỉ đạo. Năm nay, một công việc rất quan trọng mà Cục ĐKQGGDBĐ phải làm là xây dựng hai Dự án Luật (Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm và Luật đăng ký bất động sản) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Để đảm bảo tiến độ để kịp trình Chính phủ, Thứ trưởng Tụng đặc biệt lưu ý Cục phải phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, và mời cả các ngành khác tham gia triển khai ngay mà không đợi thành lập Ban soạn thảo. Về vấn đề cải cách hành chính trong ĐKGDBĐ, Thứ trưởng Tụng lưu ý, công tác đăng ký cần phải sát dân và doanh nghiệp, phải xây dựng quy trình làm sao cho đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng, và thuận lợi. Có thể tiến tới việc đăng ký qua mạng để tiết kiệm chi phí thời gian cho cá nhân, tổ chức. Cục Đăng ký có thuận lợi là vừa làm chính sách vừa thực hiện việc đăng ký tại các trung tâm nên hai mảng này có thể bổ sung cho nhau. Nếu có mâu thuẫn chồng chéo sẽ kịp thời phát hiện và sửa đổi bổ sung.
Thu Hằng