Sáng 30/9, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp trường “Hiệp định RCEP – Nội dung và triển vọng” theo hình thức trực tuyến. Đồng chủ trì Hội thảo là PGS.TS Vũ Thị Lan Anh – Phó Hiệu trưởng Nhà trường và PGS.TS Nguyễn Bá Bình – Trưởng khoa Pháp luật Thương mại quốc tế.
Tham dự Hội thảo có PGS.TS Nguyễn Thị Kim Loan – Phó Hiệu trường Trường Đại học Thương Mại; TS. Đào Gia Phúc – Viện trưởng Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh Trường Đại học Kinh tế - Luật; TS. Trần Anh Tuấn – Trưởng phòng Pháp luật Thương mại tài chính Quốc tế và Tổng hợp, Vụ pháp luật Quốc tế - Bộ Tư pháp, thành viên Hội đồng khoa; Bà Trần Thị Thu Hương – Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại, Phòng thương mại Công nghiệp Việt Nam VCCI và nhiều chuyên gia pháp lý, nhà khoa học khác.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết ngày 15/11/2020, các nhà lãnh đạo của 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 nước đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Hiệp định này được kỳ vọng sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Đây là Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, một thị trường có quy mô lớn, được hình thành với 2,2 tỷ người tiêu dùng chiếm 30% dân số thế giới và chiếm gần 28% thương mại toàn cầu.
Với sự ra đời của Hiệp định này, ASEAN cho thấy rõ quyết tâm theo đuổi chủ nghĩa tự do thương mại cũng như thể hiện vai trò trung tâm của mình trong việc tạo lập một khu vực thương mại tự do đầy đủ trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương có sự tham gia của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Đối với Việt Nam, Hiệp định trên chứa đựng khá nhiều cơ hội về kinh tế cần được tận dụng nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức cần phải vượt qua.
“Nhằm góp phần làm rõ những nội dung của Hiệp định, nhận diện những thách thức và đánh giá triển vọng của Hiệp định RCEP, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo “Hiệp định RCEP – Nội dung và Triển vọng”, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh nói và cho biết Hội thảo nhận được sự quan tâm của đông đảo các đại biểu, nhà khoa học, giảng viên, cán bộ làm công tác nghiên cứu, các cán bộ làm thực tiễn.
“Chúng tôi hi vọng và tin tưởng rằng thông qua các báo cáo, tham luận, trao đổi thẳng thắn, khách quan của các đại biểu, Hội thảo sẽ thu được kết quả khoa học có giá trị đáp ứng kỳ vọng mà ban tổ chức đặt ra”, Phó Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội nói.
Hồng Mây