Hoàn thiện khung pháp luật về kinh tế, nâng cao hiệu quả tổ chức THPL trong bối cảnh CMCN lần thứ tư

30/09/2021
Hoàn thiện khung pháp luật về kinh tế, nâng cao hiệu quả tổ chức THPL trong bối cảnh CMCN lần thứ tư
Sáng 29/9, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức Tọa đàm đối thoại chính sách “Hoàn thiện khung pháp luật về kinh tế và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Tọa đàm do TS. Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp và PGS. TS. Bùi Huy Nhượng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân đồng chủ trì.
Tọa đàm được tổ chức kết hợp hình thức trực tiếp tại đầu cầu Trường Đại học Kinh tế quốc dân và trực tuyến qua phần mềm Zoom, với sự tham gia của hơn 90 đại biểu của các cơ quan, đơn vị như: Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện Lãnh đạo, một số Giáo sư và Trưởng các đơn vị thuộc Trường Đại học Kinh tế quốc dân; các cơ sở đào tạo và nghiên cứu, như: Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Trường Đại học Luật Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Luật TP Hồ Chí Minh.., một số công ty luật và doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số như: Công ty Cổ phần dịch vụ Di động trực tuyến (MOMO), Quỹ VINACapital, ngân hàng Techcombank…
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã được nghe các tham luận về (i) các mô hình kinh doanh mới trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và một số vấn đề pháp lý đặt ra; (ii) hoàn thiện khung pháp luật về hợp đồng thông minh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; (iii) quản lý các nền tảng số, kinh nghiệm của Liên minh Châu Âu và một số đề xuất chính sách đối với Việt Nam; và (iv) bảo vệ dữ liệu cá nhân trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư – kinh nghiệm quốc tế và đề xuất, kiến nghị đối với Việt Nam.
Sau khi nghe các bài tham luận, các đại biểu đã trao đổi về các vấn đề đặt ra trong hoàn thiện pháp luật cũng như tổ chức thi hành pháp luật trong bối cảnh của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, như: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 – 2030…
Bên cạnh đó, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về một số vấn đề đặt ra như: tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia về hoàn thiện pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân và cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến; bảo vệ quyền của người tiêu dùng trong hợp đồng thông minh; hoàn thiện pháp luật về giao dịch điện tử; quản lý các mô hình kinh doanh mới xuất hiện tại Việt Nam…
Kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp khẳng định, trong bối cảnh của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, việc hoàn thiện pháp luật phải xuất phát từ việc áp dụng các quy định của pháp luật hiện hành và trong trường hợp cần thiết bổ sung các quy định mang tính đặc thù có tính tới chi phí tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp để bảo đảm phù hợp với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; ngoài ra, cần xác định vai trò tiên phong của Nhà nước trong việc ứng dụng các thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bên cạnh đó, cần bảo đảm nguồn lực cả về cơ sở vật chất và con người; đồng thời, để kịp thời thích ứng với sự phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần có sự đồng hành, phối hợp và nỗ lực của các cơ quan nhà nước, các Trường, Viện nghiên cứu và cả cộng đồng doanh nghiệp. Trường hợp có vướng mắc phát sinh, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp cần kịp thời phản ánh về cơ quan nhà nước có thẩm quyền để từ đó tìm ra giải pháp hoàn thiện./.