Nhà xuất bản Tư pháp: Tọa đàm về chuyển đối số và xuất bản sách điện tử

30/09/2021
Nhà xuất bản Tư pháp: Tọa đàm về chuyển đối số và xuất bản sách điện tử
Thực hiện Quyết định số 1396/QĐ-BTP ngày 08 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động và kiện toàn tổ chức của Nhà xuất bản Tư pháp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, chiều ngày 29/9/2021, Nhà xuất bản Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm tham vấn, trao đổi ý kiến với các chuyên gia về việc chuyển đổi số và xuất bản sách điện tử. Tham dự có đồng chí Hồ Quang Huy - Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp, đồng chí Ngô Đức Vinh - Giám đốc Nhà xuất bản Xây dựng, đồng chí Quách Văn Dương - Phó Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp, các chuyên gia công nghệ của Công ty cổ phần công nghệ VHMT Việt Nam, đại diện Lãnh đạo các phòng, ban và viên chức có liên quan của Nhà xuất bản Tư pháp, Nhà xuất bản Xây dựng.
Định hướng nội dung Tọa đàm, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, đồng chí Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp Hồ Quang Huy nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay, để tồn tại, phát triển, các nhà xuất bản phải “chuyển mình” bằng việc thúc đẩy chuyển đổi số và xuất bản sách điện tử. Đây là một xu thế tất yếu trong lĩnh vực xuất bản và đối với Nhà xuất bản Tư pháp thì được xác định phải hoàn thành ngay trong giai đoạn 1 của Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động và kiện toàn tổ chức của Nhà xuất bản Tư pháp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Chuyển đổi số và xuất bản sách điện tử trong lĩnh vực xuất bản cần bắt đầu từ đâu để có thể số hóa toàn bộ dữ liệu hiện có, số hóa các khâu kế hoạch, biên tập, bán hàng, với quy trình quản lý, quản trị hoạt động xuất bản thay đổi dựa trên ứng dụng công nghệ, rồi tính đến cả khả năng kết nối giữa hệ thống sách điện tử của nhà xuất bản với các tủ sách điện tử khác (ví dụ: Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia) như thế nào để có thể tạo nguồn thu từ quá trình sử dụng, khai thác thông tin… Đây là những vấn đề khó, cần nhận diện đầy đủ các thách thức mà nhà xuất bản phải tập trung giải quyết nhằm đạt được mục tiêu đề ra trong việc chuyển đổi số, xuất bản sách điện tử, song song với xuất bản sách giấy như hiện nay.
Tại Tọa đàm, đại diện Công ty cổ phần công nghệ VHMT Việt Nam, ông Hoàng Đức Tuấn, Giám đốc Công ty đã giới thiệu những vấn đề liên quan trực tiếp đến quá trình chuyển đối số và xuất bản sách điện tử, những mô hình công nghệ thực tế hiện nay có thể tham khảo, ứng dụng. Việc chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản có khá nhiều thuận lợi. Số lượng người sử dụng các thiết bị điện tử, truy cập internet tại nước ta cao là tiền để để các nhà xuất bản phát triển mạnh mảng xuất bản điện tử. Nhưng việc khai thác hiệu quả thị trường này là vấn đề đặt ra với không riêng ngành xuất bản, mà cần sự chung tay của nhiều ngành. Năng lực xuất bản của các nhà xuất bản trong nước không yếu, nhưng để thành công thì có không ít vấn đề đặt ra cần quyết tâm và cách làm phù hợp.
Phát biểu ý kiến thảo luận tại Tọa đàm, các đại biểu đều nhận thấy, dù tiềm năng có thể phát triển mảng sách điện tử, nhưng khi bắt tay vào thực hiện, các đơn vị sẽ gặp không ít khó khăn, trong đó “đau đầu” nhất là phải đối diện với nạn vi phạm bản quyền vì việc làm giả phiên bản ebook rất dễ, việc chia sẻ sách điện tử miễn phí hoặc bán với giá rẻ khiến cho thị trưởng sách điện tử bị thu hẹp lại. Cùng với vấn đề bảo mật, vấn đề bản quyền tác giả thì vấn đề nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy trong đội ngũ cán bộ của nhà xuất bản và sự lựa chọn nền tảng công nghệ, bố trí nguồn lực đầu tư, dự kiến nguồn thu từ khai thác, sử dụng sách điện tử là những “bài toán” đặt ra buộc nhà xuất bản phải có hướng giải quyết để thực hiện hiệu quả hoạt động xuất bản, phát hành sách điện tử.
Tọa đàm đã gợi mở nhiều vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến mục tiêu số hóa và xuất bản sách điện tử, trong đó sự chủ động nắm bắt, quyết tâm thực hiện của mỗi nhà xuất bản đóng vai trò quan trọng trên cơ sở khai thác tối đa lợi thế của mình, lựa chọn hợp lý giải pháp đầu tư, giải pháp ứng dụng công nghệ để có thể phát triển thành công mảng sách điện tử./.
Tổ Quản lý Website NXB Tư pháp