Thực hiện Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư; Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2021 (ban hành kèm theo Quyết định số 2658/QĐ-BTP ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp), chiều ngày 30/3, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm “Nghiên cứu giải pháp phát huy vai trò của sinh viên là người dân tộc thiểu số tham gia công tác phổ biến pháp luật tại địa bàn cơ sở”. Đồng chí Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Bộ Tư pháp; Đồng chí Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội và đồng chí Lê Đình Nghị, Phó Hiệu trưởng nhà trường đồng chủ trì Tọa đàm.
Tham dự Tọa đàm còn có bà Nguyễn Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần truyền thông, văn hóa và pháp luật toàn cầu cùng đại diện Bộ nội vụ; Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Ủy ban Dân tộc; Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và các em sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội là dân tộc thiểu số.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Vụ trưởng Vụ PBGDPL Lê Vệ Quốc cho biết, ở Việt Nam, năm 2012, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật thể hiện quyết tâm chính trị lớn của Đảng, nhà nước, Chính phủ trong việc đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đạo luật ra đời xuất phát từ đặc thù và nhu cầu thực tiễn của Việt Nam hiện nay. Việt Nam hiện có 54 dân tộc cùng sinh sống trải dài từ chỏm Lũng Cú (điểm cực Bắc) đến xóm Rạch Tàu (điểm cực Nam), từ đỉnh Trường Sơn (điểm cực Tây) đến quần đảo Trường Sa (điểm cực đông); các dân tộc vừa có nét tương đồng mà cũng có những điểm khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, điều kiện kinh tế - xã hội, dân trí… chính vì vậy, hiểu biết của người dân về mọi vấn đề xã hội đặc biệt là vấn đề pháp luật còn nhiều hạn chế. Để hướng tới một nhà nước pháp quyền XHCN thì nền tảng là sự công bằng xã hội; việc tạo ra chuẩn mực chung cho mọi người dân trong xã hội chính là khả năng tiếp cận và nhận thức pháp luật, đòi hỏi việc triển khai công tác phổ biến pháp luật phải được đồng bộ, toàn diện, căn cơ, bền vững, có chiều sâu, có trọng điểm… Tọa đàm này là dịp ý nghĩa để gặp gỡ, trao đổi với các em sinh viên Luật là người dân tộc thiểu số về thực trạng của công tác này tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó đề xuất những giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
“Các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về công tác PBGDPL đều đặt ra nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi là dành nguồn lực ưu tiên để triển khai tốt công tác PBGDPL cho vùng đồng bào dân tộc miền núi, cho đối tượng người đồng bào dân tộc thiểu số và coi đây là đối tượng hàng đầu trong công tác PBGDPL. Đối tượng yếu thế nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng được tăng cường, được hỗ trợ, giúp đỡ về những nhận thức pháp luật thì công tác PBGDPL sẽ hoàn thành sứ mệnh, mục tiêu của mình”, Vụ trưởng Lê Vệ Quốc nhấn mạnh.
Khẳng định về ý nghĩa quan trọng của Tọa đàm, đồng chí Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, những sinh viên sau khi ra trường nếu có định hướng quay trở về quê hương làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thì việc tổ chức những diễn đàn thực tế sẽ trang bị những phương pháp, kỹ năng làm công tác PBGDPL quan trọng cho các em sinh viên của trường, đặc biệt là các em sinh viên là người dân tộc thiểu số.
Tại Tòa đàm, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số; những rào cản, thách thức và yêu cầu đặt ra đối với nguồn nhân lực thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay; cơ chế, chính sách thu hút sinh viên Luật là người dân tộc thiểu số tham gia công tác PBGDPL tại vùng dân tộc thiểu số…
N.D - Trung tâm Thông tin