Hội thảo trực tuyến về Công ước La Hay về khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em

22/03/2021
Ngày 18/3/2021, Bộ Ngoại giao Nhật Bản phối hợp với Ban thư ký Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến về Công ước La Hay về khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em tại khu vực châu Á Thái Bình Dương với sự tham gia của đại diện của Ban thư ký, các quốc gia đã là thành viên (Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Philippines, Đặc khu hành chính Hồng Kông, Úc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc…) và chưa phải thành viên Công ước trong khu vực (Indonesia, Việt Nam).
Đại diện Ban thư ký HCCH đã chia sẻ những thông tin chung về Công ước, từ số lượng thành viên khiêm tốn ban đầu, hiện nay, với sự hỗ trợ của mạng lưới thẩm phán La Hay, hệ thống dữ liệu các vụ việc bắt cóc trẻ em quốc tế INCADAT và bộ công cụ trong giai đoạn COVID- 19, Công ước đã trở thành một trong những Công ước thành công nhất của HCCH với 101 quốc gia thành viên từ khắp các châu lục.
Đại diện Ban thư ký cũng chia sẻ thông tin về các tài liệu cập nhật của Hội nghị nhằm thực thi Công ước trong đó có Hướng dẫn thực hành tốt với Điều 13 (1) (b) và Hướng dẫn thực hành tốt với Cơ quan trung ương.
Để giải thích cho các quốc gia chưa phải thành viên về cơ chế giải quyết các yêu cầu trả lại trẻ em theo Công ước, Cơ quan trung ương của Nhật Bản và Singapore đã tham gia vào một tình huống đóng vai trong đó người mẹ đã đưa con từ nơi thường trú là Singapore về Nhật Bản mà không có sự đồng ý của người cha. Qua tình huống này, toàn bộ các công việc của các cơ quan trung ương của hai nước và các thiết chế hỗ trợ tại tòa án và ngoài tòa án như Hệ thống liên lạc trực tuyến Online Mimamori Contact (tạo điều kiện cho cha mẹ bị bỏ lại duy trì liên lạc với trẻ), hệ thống trợ giúp pháp lý, hỗ trợ phiên dịch và luật sư… đều được thể hiện một cách sinh động và dễ tiếp cận.
 

 
Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến, đại diện của Philippines - quốc gia thành viên cũng chia sẻ những khó khăn trong hoàn thiện quy định pháp luật và cơ chế thực thi trong nước nhằm thực hiện nghĩa vụ thành viên Công ước.
Đại diện Việt Nam tham gia Tọa đàm cũng đã trình bày về những thách thức đối với Việt Nam nếu muốn gia nhập Công ước và đề nghị sự giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm từ Ban thư ký và các quốc gia thành viên.
Tọa đàm đã kết thúc tốt đẹp, hứa hẹn những hoạt động hợp tác sâu rộng hơn nhằm bảo vệ lợi ích tốt nhất của trẻ em trong các vụ việc bị cha, mẹ hoặc người thân đưa đi hoặc giữ lại trái phép có yếu tố nước ngoài.
Phòng Tư pháp quốc tế và tương trợ tư pháp