Họp Tổ biên tập dự thảo NĐ về BĐ thực hiện nghĩa vụ về nội dung xác lập, thực hiện HĐBĐ, BPBĐ

06/06/2020
Họp Tổ biên tập dự thảo NĐ về BĐ thực hiện nghĩa vụ về nội dung xác lập, thực hiện HĐBĐ, BPBĐ
Thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 14/5/2020 Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2020, Bộ Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Trong khuôn khổ hoạt động xây dựng dự thảo Nghị định, ngày 04/6/2020, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm tổ chức cuộc họp Tổ biên tập mở rộng lần thứ hai để lấy ý kiến thành viên Tổ biên tập và các chuyên gia, những nhà hoạt động thực tiễn đối với sơ thảo Chương IV của Nghị định. Ông Phạm Tuấn Ngọc – Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Phó Trưởng Ban soạn thảo và ông Nguyễn Hồng Hải – Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Tổ trưởng Tổ biên tập dự thảo Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ chủ trì cuộc họp.
 
      Tham dự cuộc họp có các thành viên Tổ biên tập là đại diện của các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; ... Bên cạnh đó, cuộc họp lần này còn có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội trường Đại học Luật Hà Nội, và đại biểu làm công tác thực tiễn tại một số Văn phòng đăng ký đất đai, tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức tín dụng.
      Tại cuộc họp, thay mặt Thường trực Tổ biên tập, ông Nguyễn Hồng Hải đã khái quát một số vấn đề lớn và những vấn đề cần thảo luận trong sơ thảo Chương IV của dự thảo Nghị định về xác lập, thực hiện hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm như: về hiệu lực của hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm; về cầm cố bất động sản; về giữ tài sản cầm cố; về bán, bổ sung, thay thế, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn tài sản cầm cố; về bảo lưu quyền sở hữu; về cầm giữ tài sản và một số vấn đề khác liên quan đến việc xác lập, thực hiện hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm.

       

      Kết quả thảo luận tại cuộc họp, về cơ bản, các đại biểu đều cho rằng nội dung của sơ thảo Chương IV của Nghị định phù hợp với yêu cầu của Chính phủ về đề nghị xây dựng Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đồng thời, nhất trí với một số nội dung sơ thảo Chương IV của Nghị định như: việc tách bạch ba thời điểm pháp lý trong xác lập, thực hiện hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm bao gồm hiệu lực của hợp đồng bảo đảm, hiệu lực xác lập quyền của bên nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm và hiệu lực đối kháng với người thứ ba là phù hợp với tinh thần của Bộ luật Dân sự 2015 và thông lệ quốc tế; việc xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng trong trường hợp hợp đồng được công chứng, chứng thực theo yêu cầu;...
      Bên cạnh đó, các đại biểu có một số ý kiến góp ý để hoàn thiện nội dung của sơ thảo Chương IV và tiếp tục thảo luận một số nội dung liên quan đến sơ thảo Chương I và Chương II của Nghị định như: về hướng dẫn đối với trường hợp tài sản cầm cố được giữ bởi chính bên cầm cố; về áp dụng biện pháp biện pháp cầm cố đối với tài sản vô hình; về hướng dẫn đối với trường hợp tài sản bảo đảm trở thành vật chứng trong việc xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, tố tụng hoặc thi hành án và bên nhận bảo đảm ngay tình đối với hành vi vi phạm; …
Kết thúc cuộc họp, Ông Nguyễn Hồng Hải thay mặt Tổ thường trực xây dựng dự thảo Nghị định, cảm ơn và ghi nhận các ý kiến góp ý của các đại biểu, những ý kiến góp ý là tư liệu quan trọng để thường trực Tổ biên tập nghiên cứu, tiếp thu trong xây dựng dự thảo Nghị định./.
 
                                                                       Phạm Phúc Thịnh – Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm