Ngày 02/06, Bộ Tư pháp phối hợp với Dự án Tăng cường Pháp luật và tiếp cận công lý của Liên minh Châu Âu (EU JULE) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo “Nghiên cứu xây dựng cơ chế theo dõi, đánh giá việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền” tại Quảng Ninh.
Tham dự và chủ trì Hội thảo có đồng chí Nguyễn Linh Kha, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế Bộ Tư pháp. Về phía EU và UNDP có ông Tom Corrie, Tham tán thứ nhất, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam và bà Catharine Phương, Trợ lý Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP. Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham gia của các thành viên Nhóm nghiên cứu xây dựng Báo cáo và đại diện các Bộ, ngành, cơ quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh và đại diện của một số tổ chức.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Linh Kha, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế cho biết, các khuyến nghị mà Việt Nam nhận được từ Ủy ban Nhân quyền rất đa dạng, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau và có mối liên hệ chặt chẽ với việc thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam cần thực hiện theo các cơ chế khác (như cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người-UPR, khuyến nghị của các Ủy ban công ước về quyền con người theo các Công ước khác mà Việt Nam là thành viên như Ủy ban CEDAW, Ủy ban CAT, Ủy ban CRC...). Do vậy, việc xây dựng một cơ chế hiệu quả và chặt chẽ như một Kế hoạch hoặc chiến lược cấp quốc gia về quyền con người để hỗ trợ việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền là hết sức cần thiết, nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả các khuyến nghị, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy và đánh giá việc thực thi các khuyến nghị; giúp Việt Nam chủ động chuẩn bị cho kỳ báo cáo tiếp theo.
Vào tháng 12 năm 2019, Bộ Tư pháp đã cùng với các chuyên gia trong nước tiến hành nghiên cứu và xây dựng Báo cáo “Nghiên cứu xây dựng cơ chế theo dõi, đánh giá việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền”. Báo cáo đã được tham vấn ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan tại Hội thảo được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 12 năm 2019. Trên cơ sở ý kiến tại Hội thảo nói trên, các chuyên gia đã hoàn thiện Báo cáo.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trình bày tổng quan về kết quả nghiên cứu Báo cáo, đại diện của các Bộ, ngành, cơ quan địa phương cũng thông tin thêm về kinh nghiệm triển khai Công ước ICCPR cũng như các khuyến nghị mà Việt Nam nhận được trong các cơ chế rà soát về quyền con người khác (như cơ chế UPR). Cũng tại Chương trình hội thảo, thông qua quá trình thảo luận, làm việc nhóm, nhiều biện pháp liên quan đến việc triển khai các khuyến nghị của Uỷ ban Nhân quyền nhằm đảm bảo thực thi hiệu quả các khuyến nghị này trên thực tế, thể hiện cam kết mạnh mẽ, trách nhiệm và nghiêm túc của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người. Các đại biểu đều cho rằng, Báo cáo này là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan trong việc triển khai thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền.
Thành công của chương trình Hội thảo lần này còn cho thấy sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo, cán bộ, công chức các cơ quan, Bộ ngành ở trung ương và địa phương đến công tác quyền con người nói chung và nhiệm vụ thực thi các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị nói riêng. Qua đó, tăng cường việc thực hiện các khuyến nghị về quyền con người, thúc đẩy sự tiến bộ về tôn trọng và bảo vệ quyền con người; đưa các quy định về quyền con người vào cuộc sống một cách hiệu quả, thiết thực, phù hợp điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên./.
Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp