Sáng nay (29/5), Bộ Tư pháp phối hợp với Dự án JICA tổ chức Hội thảo trực tuyến về “Ủy quyền lập pháp, đổi mới quy trình xây dựng chính sách và hoàn thiện quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật”. Tham dự và chủ trì Hội thảo có đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật. Về phía Nhật Bản có ông Yokomaku Kosuke, Cố vấn trưởng dự án JICA và ông Edagawa Mitsushi, Chuyên gia dự án JICA.
Với sự phát triển ngày càng nhanh của xã hội, đòi hỏi sự hội nhập kinh tế quốc tế, lần lượt các Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 ra đời với quy trình ngày càng được cải tiến, phân công, phân nhiệm rõ ràng, cơ chế phối hợp được đẩy mạnh, tăng cường huy động, thu hút sự tham gia của nhân dân vào hoạt động xây dựng luật và nâng cao tính dân chủ, minh bạch trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nói chung và xây dựng luật nói riêng. Có thể thấy, quy trình xây dựng luật của Việt Nam đã dần hình thành, hoàn thiện qua các thời kỳ lịch sử nhưng mục đích cuối cùng, hay nói cách khác là “sứ mệnh” của quy trình xây dựng luật là giúp cho các đạo luật bảo đảm tính khả thi, dễ dàng đi vào cuộc sống, phục vụ nhân dân, phục vụ cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Nhu cầu xây dựng luật càng cao thì đòi hỏi quy trình xây dựng luật phải càng hoàn thiện, bài bản và chặt chẽ.
|
|
Nhận định được mục đích quan trọng đó, Hội thảo “Ủy quyền lập pháp, đổi mới quy trình xây dựng chính sách và hoàn thiện quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật” được tổ chức là một nội dung quan trọng nằm trong khuôn khổ Chương trình hợp tác với “Dự án Hài hòa hóa pháp luật hiện hành và thống nhất áp dụng pháp luật hướng tới năm 2020” của Nhật Bản (Dự án JICA) phối hợp với Bộ Tư pháp của Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận nhằm trao đổi, thảo luận các nội dung trong khuôn khổ chương trình hợp tác, đó là: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết và kiến nghị đổi mới quy trình thẩm tra dự án luật; Lược sử quy trình lập pháp của Quốc hội và kiến nghị hoàn thiện quy trình lập pháp; Ủy quyền lập pháp trong xây dựng và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, thực trạng và giải pháp...
Ngọc Dung - Trung tâm Thông tin