Đào tạo ba chung: Góp phần tích cực phát triển nguồn nhân lực tư pháp chất lượng cao

28/05/2020
Đào tạo ba chung: Góp phần tích cực phát triển nguồn nhân lực tư pháp chất lượng cao
Sau một thời gian triển khai đào tạo, Chương trình đào tạo ba chung (nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư) đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía giảng viên và học viên. Để hiểu rõ hơn về những ưu việt của chương trình, Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn TS. Đoàn Trung Kiên, Giám đốc Học viện Tư pháp. Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp xin giới thiệu toàn văn cuộc phỏng vấn.
Phóng viên: Đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư là mô hình đào tạo mới, Học viện Tư pháp đã chuẩn bị những gì để chương trình đưa vào vận hành hiệu quả?
TS. Đoàn Trung Kiên: Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp”, Học viện Tư pháp đã chủ động nghiên cứu, lấy ý kiến của các bộ, ngành hữu quan, các chuyên gia trong và ngoài nước để xây dựng chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư. Ngày 08/12/2016, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 2543/QĐ-BTP ban hành Chương trình khung đào tạo chung nguồn bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư. Trên cơ sở chương trình khung, ngày 23/12/2016, Giám đốc Học viện Tư pháp đã ký Quyết định số 1401/QĐ-HVTP ban hành Chương trình chi tiết đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư. Trong quá trình xây dựng chương trình khung và chương trình chi tiết, Học viện Tư pháp đã xác định quan điểm xây dựng chương trình đào tạo chung hướng phát triển, đa dạng và chuẩn hóa mô hình đào tạo chức danh tư pháp trong xu thế hội nhập quốc tế, với sự tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm đào tạo chức danh tư pháp hiện hành của các nước trên thế giới, như Pháp, Đức, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Chương trình vừa đảm bảo trang bị cho học viên nền tảng kiến thức chung, nhằm tăng cường năng lực áp dụng pháp luật, năng lực thực thi quyền lực tư pháp và tranh tụng theo tinh thần cải cách tư pháp, vừa đảm bảo được sự tương đồng và riêng biệt về đặc thù nghề nghiệp cốt lõi của từng chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư.
Chất lượng đào tạo hướng vào mục tiêu phát triển nguồn nhân lực tư pháp chất lượng cao, góp phần đáp ứng nhu cầu luân chuyển các chức danh tư pháp theo tinh thần cải cách tư pháp.
Từ quan điểm định hướng nêu trên, chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư đã được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng về sự gắn kết những đặc thù nghề nghiệp của ba chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư và kinh nghiệm đào tạo, sử dụng học viên sau đào tạo tại Việt Nam và một số nước trên thế giới. Đây cũng là chương trình đầu tiên trong số các chương trình đào tạo của Học viện Tư pháp được xây dựng theo hệ thống tín chỉ với nhiều điểm mới về nội dung chương trình, cách thức triển khai chương trình theo hướng hiện đại, hiệu quả hơn.
Phóng viên: Với kết cấu như hiện tại, người dạy và học sẽ được hưởng những lợi ích gì từ chương trình đào tạo tại Học viện, thưa Giám đốc?
TS. Đoàn Trung Kiên: Với thời lượng đào tạo là 18 tháng (53 tín chỉ), chương trình dành cho đối tượng người học là người có trình độ cử nhân luật trở lên. Học viên sau khi tốt nghiệp được cấp chứng chỉ tốt nghiệp đào tạo nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát, nghề luật sư và có thể làm việc trong ngành Tòa án, Kiểm sát, các văn phòng luật sư, công ty luật, các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp… Về mặt cấu trúc, chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư được chia thành 04 giai đoạn với sự nối tiếp, phát triển có kế thừa hợp lý các khối kiến thức, kỹ năng mà học viên tích lũy được trong mỗi giai đoạn của chương trình.
Giai đoạn 1: Nghề luật và môi trường nghề nghiệp. Trong giai đoạn này, học viên được trang bị kiến thức chung về nghề nghiệp, trau dồi đạo đức nghề nghiệp, tiếp cận chủ động và tích cực với môi trường nghề nghiệp, song song với tích lũy kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho việc hành nghề sau khi được đào tạo.
Giai đoạn 2: Đào tạo kỹ năng cơ bản các chức danh. Mục tiêu giai đoạn này là trang bị cho học viên kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cơ bản của ba chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư trong lĩnh vực hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hôn nhân gia đình… và kỹ năng tư vấn pháp luật.
Giai đoạn 3: Thực tập nghề nghiệp. Giai đoạn này, học viên tiếp cận với môi trường nghề nghiệp thực tiễn tại các Tòa án, Viện kiểm sát, văn phòng luật sư, công ty luật... Đây là cơ hội để học viên kiểm chứng kiến thức, kỹ năng đã được trang bị tại nhà trường; trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp giúp cho việc định hướng lựa chọn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Giai đoạn 4: Đào tạo chuyên sâu: Đây là giai đoạn đào tạo tự chọn, học viên được lựa chọn các môn học chuyên sâu phù hợp với định hướng nghề nghiệp từng chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư tùy theo sở thích và nguyện vọng của mình.
Các nội dung học tập của 04 giai đoạn nêu trên được thực hiện với sự tương tác tối đa giữa giảng viên và học viên, giữa học viên với nhau, với nguồn học liệu phong phú, hiện đại để tạo cơ hội và điều kiện cho học viên chủ động chiếm lĩnh kiến thức, kỹ năng, tích lũy và phát triển kinh nghiệm nghề nghiệp.
Có thể nói, chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư đánh dấu bước phát triển của Học viện Tư pháp với sự đa dạng hóa các mô hình đào tạo chức danh tư pháp, hứa hẹn mang lại những lợi ích to lớn cho người học và xã hội. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Tòa án, Kiểm sát có nguồn tuyển dụng những người đã có kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp ngay từ thị trường lao động, tạo điều kiện thực tế cho việc thực hiện chủ trương lựa chọn để bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên từ luật sư, luật gia giỏi; giảm đáng kể công sức, thời gian, chi phí tài chính cho bản thân, gia đình người học và ngân sách nhà nước.
Phóng viên: Sau khi hoàn thành khóa đào tạo đầu tiên, Học viện sẽ có những định hướng như thế nào để các khóa tiếp theo tiếp tục đạt chất lượng hơn?
TS. Đoàn Trung Kiên: Đến thời điểm hiện nay, Học viện Tư pháp đã hoàn thành khóa đào tạo đầu tiên tại Hà Nội (khóa 1); đang triển khai đào tạo khóa 2, khóa 3 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và chuẩn bị mở lớp đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư khóa 4 tại Hà Nội. 
Sau một thời gian triển khai đào tạo, Chương trình đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía giảng viên và học viên. Theo kết quả khảo sát và đối thoại giữa Giám đốc Học viện Tư pháp với các học viên, chương trình được đánh giá cao ở một số điểm như: Nội dung chương trình cơ bản phù hợp; Hoạt động kiến tập trong Giai đoạn 1 của chương trình rất có ý nghĩa, giúp học viên tiếp cận với thực tiễn nghề nghiệp; Các giảng viên tham gia giảng dạy giàu kinh nghiệm, nguồn giảng viên đa dạng gồm cả giảng viên cơ hữu của Học viện Tư pháp và giảng viên kiêm chức là các Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư; Học viên được hỗ trợ nhiều cơ hội để tiếp cận với thực tiễn nghề nghiệp, nâng cao kiến thức kỹ năng nghề nghiệp.
Những hiệu ứng tốt từ lớp đào tạo đầu tiên đã được lan tỏa tới người học và xã hội thể hiện ở số lượng học viên đăng ký tham gia khóa đào tạo ngày càng tăng.
Để những lớp đào tạo tiếp theo sẽ đạt được chất lượng, hiệu quả như mong đợi nhằm khẳng định hướng đi mới của một mô hình đào tạo chức danh tư pháp đầu tiên tại Việt Nam, thời gian sắp tới Học viện Tư pháp tập trung thực hiện các giải pháp sau đây:
Chỉnh sửa chương trình khung và chương trình chi tiết đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư trên cơ sở kinh nghiệm đào tạo thực tế vàý kiến đóng góp của giảng viên, học viên, người sử dụng lao động để bảo đảm chương trình đào tạo mang tính cập nhật, hiện đại, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của thực tiễn.
Tiếp tục phối hợp với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp; Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các tổ chức hành nghề luật sư để rà soát, lựa chọn đội ngũ giảng viên và tổ chức tập huấn giảng viên nhằm bảo đảm đội ngũ giảng viên đa dạng, vững vàng về kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tế và nghiệp vụ sư phạm;
Thực hiện đồng bộ các giải pháp đặc biệt là tăng cường hiệu quả hoạt động phối hợp với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp; Liên đoàn luật sư Việt Nam, các tổ chức hành nghề luật sư để nâng cao chất lượng hoạt động kiến tập, thực tập của học viên;
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống hồ sơ, tài liệu theo hướng bổ sung các hồ sơ tình huống qua việc biên tập hồ sơ vụ án thực tế của một số vụ án phức tạp được giải quyết gần đây, bảo đảm hệ thống hồ sơ tình huống luôn cập nhật với các quy định pháp luật mới và thực tiễn tư pháp;
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động đào tạo của Học viện nói chung và hoạt động đào tạo chung nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, trang bị một số phòng học đa chức năng có hệ thống ghi âm, ghi hình nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho học viên.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, Học viện Tư pháp tin tưởng chất lượng đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư sẽ được nâng cao hơn nữa, đáp ứng nhu cầu của người học và xã hội. Qua đó, Học viện Tư pháp sẽ góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu phát triển nguồn nhân lực tư pháp chất lượng cao, tăng cường và bổ sung hiệu quả cho nguồn tuyển dụng của các ngành Toà án, Kiểm sát và nhu cầu phát triển đội ngũ Luật sư chuyên nghiệp, hiện đại, hội nhập quốc tế.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Giám đốc!
P.V