Đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành tư pháp đáp ứng yêu cầu đặt ra từ cuộc CM công nghiệp 4.0

01/06/2020
Đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành tư pháp đáp ứng yêu cầu đặt ra từ cuộc CM công nghiệp 4.0
Sáng ngày 29/5, Học viện Tư pháp đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng công nghệ trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành Tư pháp”. Tham dự Hội thảo có GS.TS. Lê Hồng Hạnh - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý; TS. Chu Thị Hoa - Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý; ThS. Trần Văn Nam – Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic; Ths. Trần Lý Anh Tuấn - Giám đốc FPT Polytechnic Cần Thơ. Đây là hội thảo thứ 2 được tổ chức trong kế hoạch triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành tư pháp đáp ứng yêu cầu đặt ra từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” do Giám đốc Học viện Tư pháp Đoàn Trung Kiên làm chủ nhiệm.
Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã và đang tác động toàn diện, sâu rộng và nhanh chóng trên tất cả lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó có hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành tư pháp. Để tận dụng tốt thời cơ và vượt qua những nguy cơ, thách thức từ cuộc CMCN 4.0, việc đổi mới hoạt động quản trị đào tạo, bồi dưỡng để khai thác hiệu quả nguồn nhân lực đang là vấn đề được đặt ra đối với Bộ, ngành Tư pháp. Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid -19 vừa qua, Học viện Tư pháp cũng đã bước đầu tổ chức kết hợp đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến – một trong những ứng dụng công nghệ vào hoạt động đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực Tư pháp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã có Quyết định số 1000/QĐ-BTP ngày 5/5/2020 phê duyệt chủ trương tổ chức thí điểm đào tạo, bồi dưỡng tập trung kết hợp với từ xa theo phương thức trực tuyến tại Học viện Tư pháp. Cách đây 02 ngày, Đại hội Đảng bộ HVTP lần thứ 4 đã xác định phương hướng trong vòng 5 năm tới sẽ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, tiến bộ khoa học để đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HVTP trên các phương diện quản trị điều hành, quản lý đào tạo – bồi dưỡng, tổ chức các hoạt động giảng dạy học tập, xây dựng dữ liệu số đào tạo bồi dưỡng. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, đề tài khoa học này có tính ứng dụng rất cao, sản phẩm khoa học sẽ được ứng dụng vào ngay thực tiễn hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tư pháp của Học viện Tư pháp trong thời gian tới.
Ban Chủ nhiệm đề tài đã triển khai các hoạt động nghiên cứu từ tháng 4/2019. Tính đến thời điển hiện tại là giai đoạn cuối triển khai đề tài, Ban Chủ nhiệm đề tài đã nhận được các sản phẩm nghiên cứu gồm 7 chuyên đề nghiên cứu và có 3 sản phẩm là các bài báo khoa học của các thành viên chủ nhiệm, tham gia đề tài được công bố trên tạp chí chuyên ngành. Ban chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu khoa học “Đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành tư pháp đáp ứng yêu cầu đặt ra từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” tổ chức Hội thảo lần 2 trog kế hoạch nghiên cứu với mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý trực tiếp của các đại biểu tại hội thảo này và sau hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày các tham luận và phát biểu ý kiến, thảo luận để từ đó làm sâu sắc các nội dung mà Ban chủ nhiệm đề tài gợi mở, đó là: thống nhất xác định nguồn nhân lực của ngành Tư pháp mà đề tài hướng đến đào tạo, bồi dưỡng là ai. Đề tài có nên tiếp cận nguồn nhân lực của ngành Tư pháp tương ứng với vị trí việc làm hay nên tiếp cận theo nhóm gồm nhóm nguồn nhân lực xây dựng pháp luật, nhóm nguồn nhân lực tổ chức thực thi chính sách pháp luật và nhóm nguồn nhân lực hành nghề tư pháp, bổ trợ tư pháp? Tương ứng với từng nguồn nhân lực này, thời đại 4.0 sẽ tác động đến nghề nghiệp như thế nào và đòi hỏi họ cần phải có những kiến thức, kỹ năng gì để từ đó Học viện Tư pháp sẽ tiến hành tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho họ. Từ thực tiễn ứng dụng tổ chức hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến trong thời gian vừa qua tại Học viện Tư pháp, kinh nghiệm đi trước của một số cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, Học viện cần xác định cách làm như thế nào, đánh giá tình hình triển khai ứng dụng - những thuận lợi và trở ngại khó khăn gặp phải, lộ trình thực hiện…
Phát biểu kết luận Hội thảo, thay mặt Ban chủ nhiệm đề tài, TS. Đoàn Trung Kiên cảm ơn các vị đại biểu đã có những ý kiến đóng góp cho đề tài nhiên cứu khoa học này. Đồng chí đề nghị nhóm thư ký đề tài tổng hợp các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo, đồng thời mong rằng sẽ tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp sau Hội thảo này. Ban chủ nhiệm đề tài sẽ tiếp thu, chỉnh lý và quyết tâm bảo vệ đề tài đúng tiến độ vào tháng 9/2020.
Thanh Hương