Thẩm định dự thảo TT quy định chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp

01/11/2019
Thẩm định dự thảo TT quy định chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24/01/2019 của Chính phủ quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước, Bộ Tư pháp đã xây dựng dự thảo Thông tư quy định chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Ngày 28/10/2019, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp tư vấn thẩm định đối với dự thảo Thông tư nêu trên. Cuộc họp do ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật chủ trì với sự tham gia của đại diện một số Bộ, đơn vị thuộc Bộ.
Dự thảo Thông tư quy định chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp gồm 04 chương, 11 Điều, tập trung vào các nội dung chính gồm: (1) Các yêu cầu chung về chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp (nội dung chế độ báo cáo, thời gian chốt số liệu, thời hạn gửi báo cáo, hình thức, phương thức gửi báo cáo); (2) Các quy định cụ thể về chế độ báo cáo định kỳ về công tác tư pháp 6 tháng, hàng năm. Dự thảo quy định một số điểm mới, thể hiện tinh thần đơn giản hóa chế độ báo cáo trong việc quy định đầy đủ các nội dung của chế độ báo cáo định kỳ, đa dạng hóa hình thức, phương thức gửi báo cáo, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện báo cáo, quy định trách nhiệm công bố công khai Danh mục báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ trên Cổng thông tin điện tử.
Tại cuộc họp, các đại biểu đánh giá cao hồ sơ xây dựng Thông tư và thể hiện sự ghi nhận, chia sẻ với những cố gắng, đóng góp của Văn phòng Bộ trong việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan soạn thảo Thông tư này. Thông tư được ban hành sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quy định và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ một cách phù hợp, thống nhất, tạo thuận lợi và giảm gánh nặng hành chính cho việc thực hiện công tác báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương.
Để hoàn thiện và nâng cao chất lượng của dự thảo Thông tư, đại biểu tham dự cuộc họp đã trao đổi, thảo luận tập trung vào các nội dung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Thông tư; sự cần thiết của một số quy định cụ thể tại dự thảo; yêu cầu quy định cụ thể, rõ ràng, phù hợp và chặt chẽ hơn về thời gian chốt số liệu, thời hạn gửi báo cáo, hình thức, phương thức báo cáo, số liệu được sử dụng để báo cáo; yêu cầu bổ sung các quy định về nguyên tắc ban hành, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, quy định về quy trình thực hiện báo cáo, trách nhiệm của từng đối tượng, cơ quan, đơn vị có liên quan, bổ sung quy định về chỉnh lý báo cáo, quy định chuyển tiếp đối với các chế độ báo cáo định kỳ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành trước khi Thông tư này có hiệu lực và quy định về trách nhiệm thực hiện.
Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự cuộc họp thẩm định cũng có nhiều ý kiến cụ thể về nội dung đơn giản hóa chế độ báo cáo, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm sự thống nhất, phù hợp giữa Thông tư với các văn bản pháp luật khác quy định về các vấn đề liên quan; các ý kiến về bố cục dự thảo, ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo, làm cơ sở để đơn vị chủ trì soạn thảo thực hiện chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Thông tư trước khi trình Bộ trưởng xem xét, quyết định.
Kết luận cuộc họp thẩm định, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật khẳng định dự thảoThông tư quy định chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp cơ bản đã đáp ứng các nội dung theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung và chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo theo ý kiến thẩm định trước khi trình Lãnh đạo Bộ, làm cơ sở cho việc ban hành và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ một cách thống nhất, tạo thuận lợi cho đối tượng thực hiện, góp phần vào việc đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước nói riêng, cải cách hành chính nói chung./.
Đồng Thị Len, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật