Đề xuất nghiên cứu xây dựng Luật Tổ chức thi hành pháp luật

31/10/2019
Đề xuất nghiên cứu xây dựng Luật Tổ chức thi hành pháp luật
Ngày 30/10, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với dự án JICA tổ chức Tọa đàm “Đánh giá thực trạng công tác tổ chức thi hành pháp luật (THPL) tại Việt Nam và đề xuất, kiến nghị xây dựng, hoàn thiện pháp luật”.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL Đặng Thanh Sơn cho biết: Sau hơn 30 năm tiến hành đổi mới, đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, ý nghĩa, quan trọng trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm quản lý các mặt đời sống kinh tế - xã hội đều được pháp luật điều chỉnh. Quá trình đổi mới đồng thời giúp Việt Nam nhìn nhận, đánh giá được rằng thể chế đóng vai trò quan trọng, then chốt trong duy trì, phát triển những thành tựu về kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy cũng còn nhiều khó khăn, thách thức lớn, đặc biệt là hiệu lực, hiệu quả của hoạt động tổ chức THPL chưa ngang tầm với nhiệm vụ, nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh còn tiềm ẩn những nhân tố, nguy cơ mất ổn định xã hội. Trong khi công tác xây dựng pháp luật đã đạt được những thành tựu quan trọng thì công tác tổ chức THPL lại chưa theo kịp yêu cầu của sự phát triển, bộc lộ một số tồn tại, hạn chế lớn.
Trong bối cảnh trên, Ban Cán sự Đảng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì tăng cường công tác theo dõi THPL, nâng cao năng lực phản ứng chính sách và các vấn đề mới phát sinh, nghiên cứu xây dựng Luật về tổ chức THPL. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức THPL giai đoạn năm 2018 – 2022”.
Theo đó, cần triển khai thực hiện một số giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức THPL hướng đến mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật, từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong tổ chức THPL, tạo tiền đề cho sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động tổ chức THPL. Một trong những nhiệm vụ được xác định là tiếp tục hoàn thiện pháp luật, tổ chức THPL theo hướng quy định rõ ràng trách nhiệm, thẩm quyền của nội dung tổ chức THPL thông qua hoạt động nghiên cứu xây dựng đề xuất chính sách, phục vụ lập hồ sơ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Tổ chức THPL trong giai đoạn 2018 – 2020.
Ông Sơn nhấn mạnh nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng hoàn thiện thể chế về tổ chức THPL cũng được xác định là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bộ Tư pháp trong thời gian tới. Và Tọa đàm là hoạt động khởi động cho quá trình nghiên cứu nhiều khó khăn, thách thức để có thể đưa ra đề xuất chính sách góp phần hoàn thiện thể chế công tác tổ chức THPL.
Với tinh thần trên, các đại biểu tham dự Tọa đàm đã cùng nhau đánh giá thực trạng công tác tổ chức THPL, thực trạng thể chế điều chỉnh hoạt động tổ chức THPL ở Việt Nam; nắm bắt những kết quả, hạn chế, bất cập và nguyên nhân về thể chế cũng như trong quá trình thực tiễn triển khai công tác tổ chức THPL tại bộ, ngành và địa phương. Các đại biểu cũng trao đổi thảo luận và tham khảo kinh nghiệm lập pháp, tổ chức THPL của Nhật Bản nói riêng và kinh nghiệm quốc tế nói chung; bàn về những định hướng phát triển và hoàn thiện đổi mới hoạt động tổ chức THPL ở Việt Nam, phục vụ việc nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng Luật Tổ chức THPL.
Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên phân tích một số nét về thực trạng tổ chức THPL. Trong đó, đáng chú ý là pháp luật chậm đi vào cuộc sống hay nói một cách hình ảnh thì con đường đi vào cuộc sống của pháp luật khá dài và nhiều gập ghềnh; THPL ở nước ta còn chật vật và tốn kém về thời gian, tiền của, công sức…
Ông mạnh dạn đề xuất cần gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng chính sách với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành chính sách, đưa pháp luật vào cuộc sống; gắn công tác tổ chức THPL với công tác xây dựng pháp luật, hạn chế tối đa tình trạng cắt khúc trong công tác xây dựng và THPL. Đồng thời, nâng cao năng lực tổ chức thực thi chính sách, thực thi pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ; tăng cường năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật...
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Dương Thị Thanh Mai thì đưa ra một số luận điểm khoa học hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức THPL. Đó là đổi mới nhận thức lý luận về hệ thống pháp luật, THPL, tổ chức THPL là điều kiện tiên quyết để hoàn thiện thể chế về tổ chức THPL; hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức THPL phải hướng tới bảo đảm mục tiêu chiến lược là gắn kết giữa hoàn thiện pháp luật với nâng cao hiệu quả THPL, tạo lập các tiêu chí và công cụ hữu hiệu bảo đảm việc theo dõi, đánh giá hiệu lực, hiệu quả gắn kết giữa hoàn thiện pháp luật và THPL; hoàn thiện thể chế về THPL và tổ chức THPL phải đồng bộ với hoàn thiện thể chế xây dựng pháp luật, nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật.
H.Thư