Bảo vệ xuất sắc Đề tài khoa học cấp Bộ

30/10/2019
Bảo vệ xuất sắc Đề tài khoa học cấp Bộ
Ngày 29/10/2019, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp đã tổ chức nghiệm thu chính thức Đề tài khoa học cấp Bộ “Phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền hành pháp theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013” do TS. Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính làm Chủ nhiệm đề tài. Hội đồng nghiệm thu Đề tài gồm 07 thành viên, do GS.TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp làm Chủ tịch Hội đồng.
Đây là một trong 3 đề tài thuộc khuôn khổ Đề án nghiên cứu về mối quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Với phạm vi nghiên cứu tập trung vào quyền hành pháp, mục tiêu của Đề tài này là: (1) Nhận diện rõ những vấn đề lý luận về quyền hành pháp, nội hàm quyền hành pháp, chức năng, nhiệm vụ cơ bản của quyền hành pháp; yêu cầu của nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền hành pháp theo tinh thần Hiến pháp năm 2013; (2) Trên cơ sở thực tiễn thi hành Hiến pháp năm 2013 và các luật có liên quan, đánh giá thực trạng cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền hành pháp trong thời gian qua; (3) Đề xuất các định hướng và giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi quyền hành pháp và cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền hành pháp theo đúng tinh thần, nội dung, lời văn của Hiến pháp năm 2013, đồng thời tiếp tục cung cấp luận cứ khoa học và kinh nghiệm của các nước về quyền hành pháp trong thời gian tiếp theo.
Các thành viên Hội đồng đánh giá cao việc Báo cáo tổng hợp kết quả Đề tài đã được đầu tư nghiên cứu, xây dựng một cách nghiêm túc, bài bản, công phu và có chất lượng cao; bám sát các yêu cầu, mục tiêu đề ra; cấu trúc logic, rõ ràng, bao quát được đầy đủ các vấn đề lý luận, thực tiễn và giải pháp trước mắt, lâu dài; các phân tích, đánh giá tương đối chính xác, sâu sắc; nội dung thông tin, số liệu phong phú, đáng tin cậy; hệ thống các giải pháp toàn diện, cụ thể, khả thi và thiết thực. 
Ngoài việc làm rõ được những vấn đề lý luận và quy định của Hiến pháp năm 2013 và các luật có liên quan (như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Tố tụng hành chính...) về quyền hành pháp, cơ quan thực hiện quyền hành pháp và nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền hành pháp, Đề tài đã bước đầu đánh giá kết quả triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 liên quan đến hoạt động của Chính phủ (trong đó tập trung vào 02 chức năng cơ bản là hoạch định chính sách, ban hành pháp luật và tổ chức thi hành chính sách, pháp luật) và mối quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao với Chính phủ trong việc thực hiện quyền hành pháp.
Đề tài đã chỉ ra được một số hạn chế, vướng mắc trong quy định pháp pháp hiện hành, như việc Chính phủ chưa có đầy đủ các thẩm quyền để thực hiện chức năng của cơ quan hành pháp (Chính phủ hiện không có chức năng thực hành quyền công tố như nhiều nước trên thế giới, không có thẩm quyền quản lý hành chính đối với hệ thống tòa án nhân dân; trách nhiệm chủ trì chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh được giao cho Hội đồng Dân tộc hoặc các Ủy ban của Quốc hội, trong khi cơ quan trình chỉ có trách nhiệm phối hợp chỉnh lý…). Mặt khác, cơ quan hành pháp còn đang thực hiện một số nhiệm vụ có tính chất tư pháp (như xử phạt vi phạm hành chính). Cơ chế kiểm soát của lập pháp và tư pháp đối với hành pháp còn hạn chế (nội dung, phương thức giám sát tối cao của Quốc hội còn nhiều hạn chế; việc xét xử của Tòa án mới dừng lại ở việc giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính...).
Đề tài đã đưa ra một hệ thống các giải pháp toàn diện nhằm một mặt tạo điều kiện tốt nhất về tổ chức, cơ cấu, chức năng và vận hành của các cơ quan thực hiện quyền hành pháp, đổi mới cơ cấu tổ chức Chính phủ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; mặt khác, hoàn thiện hơn nữa cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền hành pháp. Theo đó, hệ thống pháp luật, nhất là các luật tổ chức bộ máy nhà nước, cần tiếp tục được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để góp phần xác định rõ ranh giới và phạm vi chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, hoàn thiện cơ chế phối hợp hiệu quả và kiểm soát hợp lý giữa các cơ quan này nhằm bảo đảm chất lượng của hoạt động hành pháp nói riêng và hoạt động của tổ chức bộ máy nhà nước nói chung.
Bên cạnh đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Đề tài, các thành viên Hội đồng cũng đưa ra một số gợi ý, trao đổi để Ban chủ nhiệm hoàn thiện thêm, ví dụ như làm rõ hơn sự chồng chéo trong việc thực hiện quyền hành pháp; những bất cập trong nguyên tắc phối hợp giữa các cơ quan nhà nước hiện nay; bổ sung một số đề xuất, kiến nghị cụ thể về việc sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân...
Đánh giá chung, các thành viên Hội đồng cho rằng đây là một công trình nghiên cứu công phu, chất lượng tốt, có giá trị khoa học và ứng dụng thực tiễn cao, do đó, Hội đồng đã xếp loại Đề tài này là ”Xuất sắc”./.
ThS. Đỗ Huệ - Vụ Pháp luật hình sự - hành chính