Trên cơ sở kế hoạch hoạt động năm 2019 của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 (viết tắt là Chương trình 585), ngày 25/10, tại TP. Cần Thơ, Ban Quản lý Chương trình 585 phối hợp với Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế) tổ chức Hội nghị đối thoại với các cơ quan, tổ chức, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và doanh nghiệp với chủ đề đánh giá 10 năm triển khai Chương trình 585 và tổ chức Lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp về kỹ năng soạn thảo, đàm phán, ký kết, giải quyết tranh chấp hợp đồng - những bài học kinh nghiệm thực tiễn doanh nghiệp cần lưu ý.
Các hoạt động thu hút sự tham dự của gần 200 đại biểu đại diện Sở, ban ngành liên quan, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các luật sư, các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Cần Thơ và các tỉnh lân cận như: Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang,.. tham gia các hoạt động. TS. Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Chương trình 585 chủ trì các hoạt động.
Tại Hội nghị đối thoại, sau phần khai mạc của TS. Nguyễn Thanh Tú, ông Trần Minh Sơn – Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp đã trao đổi cho các đại biểu những kết quả đạt được của Chương trình 585 giai đoạn 2010-2014 và giai đoạn 2015-2020; những điểm mới và hướng thực hiện hiệu quả Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm phát huy vai trò của Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại địa phương, nhất là việc tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và việc xây dựng Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới. Cũng tại Hội nghị, ông Trần Minh Sơn cũng đã trao đổi, giới thiệu về Phiếu khảo sát, nội dung khảo sát và xin ý kiến đánh giá của các cơ quan, tổ chức liên quan và doanh nghiệp về kết quả 10 năm thực hiện Chương trình 585.
Bà Phan Quỳnh Giao – Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP. Cần Thơ đánh giá thực tiễn, kết quả triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại TP. Cần Thơ trong thời gian qua và việc phối kết hợp các hoạt động với Chương trình 585. Bà Giao cho rằng, qua quá trình triển khai thực hiện, các hoạt động đã mang lại nhiều hiệu quả, góp phần vào việc giải quyết vướng mắc, khó khăn về pháp lý cho nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Theo bà Giao, hiện nay, TP. Cần Thơ có hơn 8.200 doanh nghiệp đăng ký hoạt động (trong đó có 98,5% doanh nghiệp nhỏ và vừa), doanh nghiệp thành phố rất quan tâm đến công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Để tạo điều kiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP được thực hiện đồng bộ, thực sự đi vào cuộc sống, TP. Cần Thơ kiến nghị Bộ Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn thêm ở một số nội dung để địa phương thực hiện đồng bộ, thống nhất; đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp sửa đổi Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP để đảm bảo kinh phí trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phù hợp với thực tiễn triển khai các hoạt động. Để đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cần có quy định về chế độ, chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ công chức phụ trách vai trò đầu mối công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói riêng và công tác pháp chế nói chung.
Tại Hội nghị, ông Đồng Việt Phương – Phó Giám đốc phụ trách Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang đề nghị Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2020 cần tiếp tục duy trì, mở rộng và tại điều kiện hỗ trợ các địa phương tham gia tích cực các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các hoạt động của chương trình trong thời gian tới.
Từ những khó khăn trong thời gian qua, ông Trần Công Lập – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh An Giang kiến nghị Bộ Tư pháp
cần làm rõ phạm vi của nội dung quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 8 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP
về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy định:
“Việc trả lời của cơ quan, nhà nước quy định tại Điều này không áp dụng đối với các yêu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa về vụ việc cụ thể liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”. Thực tiễn công tác hỗ trợ pháp lý tại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cho thấy doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân kinh doanh thường đặt các câu hỏi tình huống pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do không xác định phạm vi, nên những cơ quan không muốn trả lời sẽ lợi dung nội dung này để từ chối.
Ngoài ra, ông Lập đề nghị quan tâm đến nội dung giải đáp pháp luật, tư vấn hỗ trợ pháp lý trực tiếp; biên soạn tài liệu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp những nội dung cơ bản mang tính trọng tâm; cần xây dựng đội ngũ công chức “đầu mối” làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ở các địa phương. Sau đó bồi dưỡng đội ngũ này để triển khai nhiệm vụ ở địa phương mình.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, theo Ông Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Chương trình 585, để làm tốt công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới, các địa phương cần quan tâm 06 hoạt động sau: (1) cần quan tâm hơn nữa việc bố trí kinh phí cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; (2) ưu tiên nhân lực thực hiện công tác pháp chế; (3) phải có Chương trình hiệu quả cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong từng giai đoạn; (4) có đội ngũ chuyên gia có nhiều kinh nghiệm thực tiễn; (5) tuyên tuyền tốt các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tới các doanh nghiệp và (6) phối hợp tốt với doanh nghiệp, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp.
Cũng theo Chương trình tại TP. Cần Thơ, Lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp về kỹ năng soạn thảo, đàm phán, ký kết, giải quyết tranh chấp hợp đồng - những bài học kinh nghiệm thực tiễn doanh nghiệp cần lưu ý đã được tổ chức. Bà Lê Thị Hoàng Thanh – Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp đã trao đổi với các doanh nghiệp về tổng quan hệ thống pháp luật hợp đồng hiện nay ở Việt Nam; các kỹ năng soạn thảo, đàm phán, ký kết hợp đồng và những vấn đề lưu ý trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Ông Phan Trọng Đạt – Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng đã trao đổi với các doanh nghiệp về các kỹ năng xử lý vướng mắc, tranh chấp hợp đồng và các vụ việc tranh chấp vụ thể đã xử lý tại VIAC để truyền đạt cho các doanh nghiệp trên địa bàn một số tỉnh phía Nam những phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả và những bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp khi giải quyết tranh chấp trong kinh doanh, nhất là kinh doanh thương mại quốc tế.
Tại Hội nghị đối thoại, lớp bồi dưỡng nhiều ý kiến của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh TP. Cần Thơ; Hiệp hội doanh nghiệp TP. Cần Thơ, Hậu Giang…), Đoàn luật sư và các chuyên gia, luật gia, luật sư cũng đã trao đổi để làm rõ các vấn đề liên quan đến đánh giá 10 năm triển khai Chương trình 585 và các quy định pháp luật cho doanh nghiệp về kỹ năng soạn thảo, đàm phán, ký kết, giải quyết tranh chấp hợp đồng, Ban Tổ chức và các chuyên gia đã trao đổi và giải đáp trực tiếp cho các địa biểu tham dự.
Trần Minh Sơn, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp