Bồi dưỡng pháp luật cho DN và đối thoại đánh giá 10 năm triển khai Chương trình 585 tại Thừa Thiên Huế

29/10/2019
Bồi dưỡng pháp luật cho DN và đối thoại đánh giá 10 năm triển khai Chương trình 585 tại Thừa Thiên Huế
Ngày 29/10, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 (viết tắt là Chương trình 585) phối hợp với Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế) tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp về pháp luật hợp đồng và Hội nghị đối thoại đánh giá 10 năm triển khai Chương trình 585, xác định nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới.
Các hoạt động do TS. Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Chương trình 585 chủ trì thu hút sự tham dự của gần 180 đại biểu đại diện Sở, ban ngành liên quan, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các luật sư, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình, TP. Đà Nẵng,.. tham gia các hoạt động.
Sau phần khai mạc của TS. Nguyễn Thanh Tú, ông Nguyễn Văn Mạnh – Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ đã trao đổi với các đại biểu, doanh nghiệp tham dự về tổng quan hệ thống pháp luật hợp đồng hiện nay ở Việt Nam; các kỹ năng soạn thảo, đàm phán, ký kết hợp đồng và những vấn đề lưu ý trong quá trình thực hiện; các vấn đề liên quan đến quy định pháp luật hợp đồng trong Bộ luật dân sự năm 2015.
Theo Ông Mạnh, trên cơ sở các nguyên tắc hiến định của Hiến pháp, trong những năm qua, pháp luật về hợp đồng đã được xây dựng, hoàn thiện và hình thành một hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ trong các lĩnh vực. Pháp luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng gồm hơn 150 văn bản điều chỉnh trực tiếp quan hệ hợp đồng, từ các văn bản luật đến dưới luật (Nghị định, Thông tư, Nghị quyết,…), từ văn bản luật có tính chất điều chỉnh quan hệ pháp luật nói chung (như Bộ luật dân sự) đến các văn bản pháp luật chuyên ngành[1], từ văn bản điều chỉnh quan hệ tư trong đời sống xã hội đến các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh cả quan hệ công và tư.
Với hệ thống các quy định về pháp luật hợp đồng đồ sộ như đã nêu ở trên, việc hiểu và áp dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không hề đơn giản, đòi hỏi các doanh nghiệp tham gia các hoạt động tìm hiểu kỹ quy định cơ bản pháp luật hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của mình trong các giao dịch hợp đồng và lưu ý những quy định có thể xảy ra những rủi ro trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng.
Bà Lê Thị Hoàng Thanh – Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cũng đã trao đổi với các doanh nghiệp về các kỹ năng xử lý vướng mắc, tranh chấp hợp đồng và các vụ việc tranh chấp vụ thể để truyền đạt cho các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh miền Trung những phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả và những bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp khi giải quyết tranh chấp trong kinh doanh, nhất là kinh doanh thương mại quốc tế.
Trong chiều cùng ngày, tại Hội nghị đối thoại, đánh giá 10 năm triển khai Chương trình 585, ông Trần Minh Sơn – Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp đã trao đổi cho các đại biểu tham dự những kết quả đạt được của Chương trình 585 giai đoạn 2010-2014 và giai đoạn 2015-2020; những điểm mới và hướng thực hiện hiệu quả Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm phát huy vai trò của Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố miền Trung trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại địa phương, nhất là việc tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương các tỉnh miền Trung trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và việc xây dựng Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới. Ông Sơn cũng đã trao đổi, giới thiệu về Phiếu khảo sát, nội dung khảo sát và xin ý kiến đánh giá của các cơ quan, tổ chức liên quan và doanh nghiệp về kết quả 10 năm thực hiện Chương trình 585.
Bà Nguyễn Minh Tâm – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình đánh giá cao kết quả triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong thời gian qua và việc phối kết hợp các hoạt động với Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2020. Các hoạt động đã mang lại nhiều hiệu quả, góp phần vào việc giải quyết vướng mắc, khó khăn về pháp lý cho nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ông Phạm Văn Được – Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2020 cần tiếp tục duy trì, mở rộng và tại điều kiện hỗ trợ các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp tại địa phương tham gia tích cực các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các hoạt động của chương trình trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thuận – Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. Đà Nẵng đề nghị Bộ Tư pháp cần đầu tư xây dựng và nâng cấp, duy trì hiệu quả Trang thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (chính thống trên Cổng Thông tin Bộ Tư pháp) áp dụng thống nhất trong toàn quốc. Ngoài ra, ông Thuận cho rằng cần quan tâm đến nội dung giải đáp pháp luật, tư vấn hỗ trợ pháp lý trực tiếp; biên soạn tài liệu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp những nội dung cơ bản mang tính trọng tâm; cần xây dựng đội ngũ công chức “máy cái” làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ở các địa phương. Sau đó bồi dưỡng đội ngũ này để triển khai nhiệm vụ ở địa phương mình.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu đại diện sở, ban, ngành, tổ chức đại diện của các doanh nghiệp, các doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình, TP. Đà Nẵng,.. TS. Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Chương trình 585 đánh giá cao sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, nhất là các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp trong cả ngày 29/10/2019 tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Ban Quản lý Chương trình 585 sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến và báo cáo Bộ Tư pháp nhằm hoàn thiện và triển khai có hiệu quả hơn nữa các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới./.
Trần Minh Sơn, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp
 
 
[1] Trong bài viết này, thuật ngữ pháp luật chuyên ngành được sử dụng để diễn đạt các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực pháp luật cụ thể.