Hội nghị đối thoại và tập huấn nghiệp vụ pháp chế khu vực phía Nam

04/07/2019
Hội nghị đối thoại và tập huấn nghiệp vụ pháp chế khu vực phía Nam
Trong 02 ngày 02-03/7/2019, tại Thành phố Cần Thơ, Bộ Tư pháp phối hợp với Viện Konrad - Adenauer - Stiftung (Viện KAS), Cộng hòa liên bang Đức tại Việt Nam tổ chức Hội nghị đối thoại và tập huấn nghiệp vụ pháp chế khu vực phía Nam năm 2019. Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) và bà Nguyễn Minh Tuyến, Chánh Văn phòng Viện KAS, Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Minh Tuyến, Chánh Văn phòng Viện KAS tại Hà Nội đánh giá cao kết quả hợp tác của Viện KAS với Bộ Tư pháp trong thời gian vừa qua. Viện KAS đặc biệt quan tâm tới việc tăng cường năng lực cho những người làm công tác pháp chế tại các Bộ, ngành, địa phương thông qua việc tổ chức các diễn đàn để trao đổi kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn với mục đích chung là nâng cao chất lượng công tác pháp chế, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Sau 6 năm triển khai Chương trình hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam với Viện KAS, bà Tuyến cho rằng các diễn đàn do Bộ Tư pháp tổ chức luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ và tham gia của đông đảo Bộ, ngành, địa phương; nội dung chương trình và cách thức tổ chức thực hiện các diễn đàn luôn được nghiên cứu, thiết kế một cách công phu, chất lượng và không ngừng được đổi mới, sáng tạo. Bà Tuyến mong rằng, Viện KAS sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác và phát huy ở tầm cao hơn với Bộ Tư pháp Việt Nam trong thời gian tiếp theo.
Tại Hội nghị đối thoại, các đại biểu được đối thoại với các khách mời là ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật; ông Nguyễn Thanh Bình, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam; ông Cao Thanh Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp An Giang; bà Phan Quỳnh Dao, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thành phố Cần Thơ để trao đổi, thảo luận về tình hình thực hiện công tác pháp chế và công tác xây dựng của các địa phương 6 tháng đầu năm 2019.
Chia sẻ về thực trạng công tác pháp chế 6 tháng đầu năm 2019, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cho biết, 6 tháng đầu năm 2019 công tác pháp chế tiếp tục giữ vị trí vô cùng quan trọng ở các Bộ, ngành, địa phương. Tổ chức pháp chế ở các cơ quan Trung ương được duy trì ổn định. Tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh số lượng Phòng Pháp chế tiếp tục bị giảm do thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, thực hiện việc sáp nhập một số Phòng Pháp chế tại các cơ quan; nhưng bên cạnh đó, nhìn chung chất lượng tham mưu về mặt pháp lý cho lãnh đạo cơ quan của tổ chức pháp chế ngày càng được nâng lên.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam cho biết, thời gian qua, việc thực hiện công tác pháp chế ở các địa phương khu vực phía Nam mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng kết quả vẫn chưa được chưa mong muốn. Nhiều địa phương không thể duy trì được 14 Phòng Pháp chế như quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP. Hiện nay công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh do các công chức chuyên trách hoặc kiêm nhiệm đảm nhiệm, có cơ quan công tác pháp chế được ghép với nhiệm vụ khác tại Văn phòng hoặc Thanh tra. Ông Bình cũng bày tỏ mong muốn đề nghị Bộ Tư pháp kiến nghị với cấp có thẩm quyền có giải pháp để khi sửa đổi Nghị định số 24/2014/NĐ-CP và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP của Chính phủ có thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong công tác pháp chế và duy trì được đội ngũ làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh.
Chia sẻ về một số khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng pháp luật ở Cần Thơ, Phan Quỳnh Dao, Phó Giám đốc Sở Tư pháp chỉ ra một số bất cập như: quy định cấm quy định thủ tục hành chính trong văn bản của chính quyền địa phương trừ khi được Luật giao; việc lấy ý kiến đối với dự thảo VBQPPL ở địa phương đôi lúc còn hình thức… Bà Quỳnh Dao đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu để sửa đổi Luật ban hành VBQPPL cho phù hợp, khả thi; có tập huấn chuyên đề về từng lĩnh vực trong công tác xây dựng pháp luật, nâng cao năng lực cho đội ngũ người làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế của địa phương. Về phía Sở Tư pháp, thời gian tới Sở sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị thực hiện công tác xây dựng pháp luật trong tình hình hiện nay và Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh về công tác pháp chế và công tác xây dựng pháp luật.
Là một người tâm huyết với công tác pháp chế ở địa phương, ông Cao Thanh Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp An Giang cho biết, An Giang cũng khó khăn như các địa phương khác nhưng công tác pháp chế ở địa phương rất được lãnh đạo các cơ quan quan tâm, tuy nhiên, trong bối cảnh thực hiện chính sách tin gọn bộ máy, tinh giản biên chế thì việc thành lập Phòng Pháp chế hoặc công chức chuyên trách để làm công tác này là rất khó khăn.
 
Theo Chương trình làm việc, Hội nghị đã được ông Phạm Quý Tỵ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp chia sẻ về vấn đề xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật và cải cách tư pháp tại Việt Nam và ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê trao đổi về kỹ năng truyền thông và định hướng dư luận xã hội về chính sách pháp luật trong quá trình xây dựng pháp luật./.Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật