Bảo đảm đồng bộ, thống nhất quy định pháp luật về quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân

20/06/2019
Bảo đảm đồng bộ, thống nhất quy định pháp luật về quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân
Thực hiện nhiệm vụ tại Mục II.3.b Nghị quyết 99/NQ-CP ngày 03/10/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Bộ Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan “Xây dựng Đề án thể chế hóa đầy đủ quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, bảo đảm quyền tài sản được giao dịch thông suốt, hiệu lực thực thi và bảo vệ có hiệu quả quyền sở hữu tài sản, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2019”. Ngày 19/6/2019, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế tổ chức cuộc họp với đại diện một số bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan thuộc Bộ và một số chuyên gia để thảo luận sơ bộ về phạm vi, định hướng, kế hoạch và nội dung xây dựng Đề án trình Chính phủ. Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, các đại biểu đánh giá đây là một Đề án quan trọng, tuy nhiên, có nội dung rộng, phức tạp liên quan nhiều đến lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành, địa phương, các đại biểu cũng thảo luận sâu về một số vấn đề phát sinh liên quan đến quyền sở hữu và thực thi, bảo vệ quyền sở hữu trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tài nguyên thiên nhiên, tài sản công, tài sản là đối tượng sở hữu trí tuệ…. Do vậy, trong điều kiện hạn chế về nguồn lực, việc khoanh vùng phạm vi nghiên cứu là rất cần thiết, Bộ Tư pháp cần rà soát, cân nhắc lựa chọn phạm vi của Đề án cho phù hợp, chỉ nên tập trung vào những nội dung lớn, như: quyền sở hữu liên quan đến tài sản đưa vào đầu tư kinh doanh, tài sản là đối tượng sở hữu trí tuệ,… Về thực hiện kế hoạch, trên cơ sở xác định phạm vi rộng lớn và phức tạp như vậy, để bảo đảm chất lượng, các đại biểu cho rằng việc trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2019 là khó khả thi, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế cần cân nhắc việc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch theo hướng gia hạn trong năm 2020.  Bên cạnh đó, đại diện một số bộ, ngành cũng yêu cầu cơ quan chủ trì cụ thể hóa hơn cách tiếp cận những vấn đề cần rà soát, đánh giá, cách tiếp cận giải quyết vấn đề bất cập để thuận lợi cho việc tham gia xây dựng nội dung Đề án và thống nhất đưa ra phương án giải quyết.
 Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Hải thống nhất quan điểm về việc nghiên cứu xác định phạm vi của Đề án cho phù hợp, chọn lọc những vấn đề mà Chính phủ đang quan tâm ưu tiên xử lý, xã hội yêu cầu, tập trung làm rõ những bất cập, vướng mắc trong quy định của pháp luật, những bất cập, vướng mắc trong áp dụng pháp luật và kiến nghị, giải pháp hoàn thiện. Đồng thời, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế cũng tiếp thu ý kiến liên quan đến kế hoạch thực hiện và mẫu hóa chung cách tiếp cận giải quyết vấn đề. Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, chuyên gia, làm rõ những vướng mắc, bất cập về quyền sở hữu tài sản để làm chất liệu xây dựng Đề án.