Sáng 18/6, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng (PTTTĐC) trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL)”.
Một hình thức PBGDPL có hiệu quả xã hội cao
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Vụ trưởng Vụ PBGDPL Lê Vệ Quốc cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, sẻ chia của các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác PBGDPL. Theo ông Quốc, giai đoạn hiện nay có nhiều cơ hội lẫn thách thức đối với sự tham gia của các PTTTĐC vào công tác PBGDPL. Một thách thức đáng chú ý là chỉ trong lãnh thổ nước ta đã có hơn 200 mạng xã hội, rất thu hút người dân, từ đó nổi lên vấn đề truyền thông, nhất là truyền thông đa phương tiện, cần được triển khai như thế nào cho phù hợp nên cần sự vào cuộc của các cơ quan báo chí để cùng với cơ quan nhà nước nói chung, Bộ Tư pháp nói riêng thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL Ngô Quỳnh Hoa đề cao vai trò của các PTTTĐC trong công tác PBGDPL bởi đây thực sự là một hình thức PBGDPL có hiệu quả xã hội cao với những ưu thế đặc biệt như tính phổ cập, nhanh chóng, kịp thời, rộng khắp. Hình thức này đã được luật hóa theo khoản 3 Điều 11 Luật PBGDPL năm 2012, vừa là sự khẳng định vai trò của các PTTTĐC trong công tác PBGDPL vừa là căn cứ pháp lý nêu trách nhiệm của các PTTTĐC trong việc tuyên truyền, PBGDPL.
Bà Hoa chỉ rõ vai trò của các PTTTĐC trong công tác PBGDPL thể hiện ở các khía cạnh như nâng cao tính tự giác thực hiện pháp luật của mọi công dân trong xã hội; gắn kết với vai trò quản lý và giám sát hoạt động lập pháp… Vì vậy, Bộ Tư pháp xác định sự cần thiết phải tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trong thông tin, truyền thông về công tác PBGDPL.
Đáng chú ý, năm 2017 đã ký kết Chương trình phối hợp 2828 giữa Bộ Tư pháp, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV); Vụ PBGDPL phối hợp với Công ty Cổ phần truyền thông Trường Thành tổ chức chương trình truyền hình “Sức nước ngàn năm” trên sóng VTV3… Đồng thời, Bộ Tư pháp cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương để kịp thời truyền tải đầy đủ các thông tin pháp luật bảo đảm nhanh nhạy, chính xác, kịp thời, đáp ứng phần nào yêu cầu từ xã hội, người dân.
Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa ngành Tư pháp và các cơ quan báo chí còn thiếu chặt chẽ, thiếu tính ổn định, thường xuyên. Nội dung PBGDPL qua hệ thống truyền thông báo chí chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của người dân, hình thức còn đơn điệu, khô cứng, thiếu tính hấp dẫn để thu hút khán thính giả, độc giả quan tâm theo dõi. Việc gắn kết giữa báo chí với mạng xã hội để thực hiện PBGDPL chưa được quan tâm triển khai mạnh mẽ trong thực tiễn…
Để tiếp tục phát huy vai trò của các PTTTĐC trong công tác PBGDPL, bà Hoa đưa ra một số giải pháp. Cụ thể là tăng cường hơn nữa sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự phối hợp đồng bộ, có chất lượng, hiệu quả về các chương trình PBGDPL trên PTTTĐC; các PTTTĐC căn cứ vào tôn chỉ, mục đích, nhu cầu của xã hội, của người dân để có nội dung pháp luật, hình thức thể hiện đáp ứng được yêu cầu của đối tượng thụ hưởng; nhân rộng mô hình truyền thông pháp luật hiệu quả, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo sự chuyển biến tích cực đối với công tác PBGDPL trên các PTTTĐC; quan tâm bố trí kinh phí, thu hút các nguồn lực từ xã hội hóa đối với các hoạt động truyền thông…
Cần xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả hơn
Đại diện các cơ quan báo chí đã chia sẻ rất nhiều mô hình, chương trình PBGDPL đang được các cơ quan tiến hành hiệu quả cũng như những khó khăn, vướng mắc gặp phải và đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Phó Trưởng Phòng Chính sách và pháp luật (Ban Văn hóa – Xã hội, VOV) Trần Thu Trang cho biết, công tác tuyên truyền PBGDPL được thực hiện đậm nét ở các chương trình của Phòng như Tư vấn chế độ chính sách trực tiếp, Cầm tay chỉ luật, VOV kết nối, Pháp luật và xã hội… Trước đây, mỗi tháng Phòng nhận hơn 200 thư gửi về nhờ tư vấn, giải đáp các chế độ, chính sách pháp luật của Nhà nước, còn hiện nay lượng thư giảm nhưng số lượng điện thoại, tương tác trên fanpage các chương trình của Phòng lại tăng lên nhờ các hình thức tiếp cận đã được đa dạng hóa trên internet.
Phản ánh một số khó khăn, trong đó có vấn đề về phối hợp, bà Trang mong muốn có cơ chế phối hợp làm việc rõ ràng giữa VOV và các cơ quan, ban, ngành liên quan về tuyên truyền, PBGDPL. Đồng thời, cần tạo điều kiện cho phóng viên, biên tập viên được tham gia tập huấn về chế độ, chính sách, kiến thức pháp luật.
Phó Ban Thư ký biên tập VOV Đặng Ngọc Chi thông tin thêm, tất cả các kênh sóng của VOV đều có chương trình về tuyên truyền, PBGDPL. Qua theo dõi, bà Chi nhận thấy người dân cơ bản vẫn rất hạn chế về pháp luật, trong khi pháp luật chỉ quy định khung chung chung mà thực tiễn đời sống phát sinh rất nhiều tình huống cụ thể. Do đó, bà Chi đồng tình phải xây dựng được cơ chế phối hợp bài bản hơn và kiến nghị hoạt động tuyên truyền, PBGDPL phải chú trọng cả thời điểm theo hướng bám sát những sự kiện phát sinh vào thời điểm này, thời điểm kia thì sẽ tập trung vào nội dung cần đẩy mạnh.
Nhà báo Lê Hồng Sơn (Cổng thông tin điện tử Chính phủ) thì đánh giá cao các hoạt động thực hiện Ngày Pháp luật nhưng đề xuất việc thông tin, truyền thông về Ngày Pháp luật cần được làm thường xuyên hơn, diễn ra cả trước, trong và sau tuần lễ cao điểm hưởng ứng Ngày Pháp luật. Bên cạnh sự chủ động của phóng viên, ông Sơn cũng đề nghị tính toán cách thức nào để các địa phương gửi tình huống pháp luật cho các cơ quan báo chí và nếu được Vụ PBGDPL nên tổ chức gặp gỡ báo chí định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý để cùng nhau trao đổi, thảo luận nhu cầu giữa các bên…
H.Thư