THADS Hà Nội: Cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính

19/06/2019
THADS Hà Nội: Cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính
Đó là yêu cầu của Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt Cục THADS TP Hà Nội về kết quả công tác 8 tháng năm 2019 nhằm tháo gỡ khó khăn vướng và đề ra các giải pháp thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ những tháng cuối năm. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Lực cùng tham dự.
Báo cáo tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục THADS Hà Nội Lê Xuân Hồng cho biết trong 8 tháng năm 2019, tổng số thụ lý về việc, về tiền của các cơ quan THADS TP Hà Nội tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, số việc thụ lý mới là 23.477 việc (tăng 7% so với cùng kỳ năm 2018); số tiền thụ lý mới là hơn 15 nghìn tỷ đồng (tăng 36% so với cùng kỳ năm 2018).
Đặc biệt trong những năm gần đây, một số Chi cục có số vụ việc phải thi hành về giá trị tăng đột biến như các Chi cục: Chương Mỹ, Hoài Đức, Thạch Thất, Phúc Thọ, Đan Phượng, gây ảnh hưởng tới kết quả thi hành án chung của toàn Thành phố. Trên địa bàn Thủ đô phát sinh nhiều vụ việc phải thi hành với giá trị lớn, phức tạp, đặc biệt là các vụ việc liên quan đến án tín dụng, ngân hàng (tăng 17% về việc và tăng 33% về tiền so với cùng kỳ năm 2018); các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng có giá trị lớn...
Do đó, kết quả THADS 8 tháng năm 2019 của các cơ quan THADS Hà Nội còn thấp so với chỉ tiêu được giao: về việc đạt tỉ lệ 56,48% (còn thiếu 17,02% so với chỉ tiêu được giao), về tiền đạt tỉ lệ 10,17% (còn thiếu 23,33% so với chỉ tiêu được giao).

Là đơn vị có lượng việc và tiền phải thi hành lớn nhưng kết quả đạt được thấp, lãnh đạo Chi cục THADS Hai Bà Trưng đã chỉ ra một số nguyên nhân chính như số việc thụ lý cao; các vụ án tín dụng ngân hàng có giá trị lớn, khó thi hành; nhiều vụ việc có giá trị lớn bị hoãn thi hành; khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng tới tiến độ thi hành án… Trong những tháng cuối năm, Chi cục sẽ tăng cường chỉ đạo việc phân loại hồ sơ thi hành án; đôn đốc thi hành án tín dụng, ngân hàng, trong đó tăng cường công tác hòa giải để thi hành án tự nguyện; theo dõi sát sao các hồ sơ bị hoãn; kê biên, xử lý, giao tài sản đối với vụ việc đấu giá thành…
Còn Chi cục THADS Ba Đình nêu lên khó khăn chủ yếu là nhiều tài sản bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản do người phải thi hành án thuộc diện gia đình chính sách hoặc có sự chống đối, cản trở quyết liệt… nên ảnh hưởng tới quá trình tổ chức thi hành án. Thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch, theo dõi sát từng vụ việc để lên kế hoạch giải quyết dứt điểm việc giao tài sản bán đấu giá thành, trong đó chú trọng vận động, thuyết phục để đương sự tự nguyện thi hành, nếu đương sự chống đối mới tiến hành cưỡng chế huy động lực lượng để giao tài sản.

Là đơn vị có kết quả thấp nhất trên địa bàn Thủ đô, Chi cục THADS Chương Mỹ đánh giá một số nguyên nhân ảnh hưởng tới kết quả là do địa bàn bán xuyên địa, hay xảy ra thiên tai lũ lụt; người dân còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi văn hóa làng xã nên khi bán đấu giá tài sản rất ít người đăng ký tham gia và không có ai mua; số lượng vụ việc bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản chiếm tỷ lệ lớn. Vì vậy, Chi cục sẽ cố gắng, nỗ lực xây dựng kế hoạch giải quyết từng hồ sơ vụ việc để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.
Sau khi nghe các đơn vị trao đổi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Lực nhận định vấn đề nổi cộm mà các cơ quan THADS Hà Nội đang phải đối mặt đó là lượng án tín dụng, ngân hàng tăng đột biến và có giá trị lớn. Do đó, Lãnh đạo Cục phải đề cao trách nhiệm, sâu sát để nắm bắt từng hồ sơ vụ việc để kịp thời tháo gỡ ngay. “Cục, các Chi cục phải có các giải pháp mang tính chất đột phá đồng thời hạn chế tối đa các vi phạm trong công tác thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thì mới có thể hoàn thành chỉ tiêu được giao”, ông Lực lưu ý thêm.

Kết luận buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi yêu cầu trong những tháng cuối năm, các cơ quan THADS Hà Nội cần tập trung tổ chức thi hành các vụ việc có điều kiện, đặc biệt là khâu xác minh, xử lý tài sản, giao tài sản bán đấu giá thành.
Lãnh đạo Cục, các đơn vị thuộc Cục cần sâu sát, kịp thời vào cuộc với các Chi cục, không được “thả nổi” Chấp hành viên khi làm nhiệm vụ. Lãnh đạo Cục cần tăng cường kiểm tra hồ sơ các vụ việc bán nhiều lần không thành; đề cao, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; chỉ đạo sát sao các vụ án kinh tế, tham nhũng để đảm bảo không xảy ra sai sót. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cần thực hiện bài bản, rõ ràng, giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài đồng thời đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống cơ quan THADS trên địa bàn Thủ đô.
“Các cơ quan THADS Hà Nội cần tập trung, phân tích, đánh giá đúng các nguyên nhân chủ quan, khách quan để kịp thời khắc phục, đặc biệt, từ Lãnh đạo Cục, Chi cục đến mỗi Chấp hành viên cần cố gắng hết sức, làm hết trách nhiệm thì mới có thể hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ trong bối cảnh khó khăn, thách thức như hiện nay”, ông Khôi nhấn mạnh.
Lê Hồng