Hội thảo về Luật Thi hành án dân sự: Gợi mở thêm một số vấn đề

18/03/2008
Ngày 18/3, được sự hỗ trợ của Dự án JICA, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo về Dự án Luật Thi hành án dân sự (THADS). Nhiều ý kiến đóng góp, bình luận và những kinh nghiệm quý báu của các chuyên gia Nhật Bản đã mở ra một số vấn đề góp phần giúp Tổ Biên tập tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật trong thời gian tới.

Mở đầu Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Thuỷ - Phó Cục trưởng Cục THADS, Bộ Tư pháp khẳng định, cùng với những kết quả đạt được, công tác THADS hiện nay đang gặp không ít vướng mắc, bất cập, làm giảm hiệu quả công tác THA như các quy định pháp luật liên quan chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ; trình tự, thủ tục THA phức tạp, kéo dài, tốn kém; cơ chế tổ chức THA thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa THADS và THA hình sự… và một bài toán nan giải chính là tình trạng án tồn động. Cũng theo ông Thuỷ, Dự án Luật đã xây dựng các quy định toàn diện và cụ thể hơn nhằm đảm bảo quyền bình đẳng của các đương sự, bổ sung các biện pháp cưỡng chế phù hợp, tăng thẩm quyền cho chấp hành viên, hoàn thiện mô hình tổ chức THA, thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân khác vào hoạt động THADS…

Khác cơ quan THA Việt Nam thuộc hệ thống hành chính, cơ quan THA Nhật Bản thuộc hệ thống tư pháp, bao gồm Toà THADS và các Chấp hành viên. Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng, mỗi mô hình đều có những ưu, nhược điểm của nó nên Dự án Luật cần có những quy định sao cho cơ quan THA thực hiện tốt nhiệm vụ của mình cũng như cân bằng lợi ích tốt nhất giữa bên được THA với bên phải THA và những bên có quyền, nghĩa vụ liên quan. Để giải quyết xung đột lợi ích giữa bên được THA (phương pháp, thủ tục THA phải nhanh chóng, chắc chắn và ít tốn kém) với bên phải THA và những bên có quyền, nghĩa vụ liên quan (bảo vệ quyền và nghĩa vụ hợp pháp, duy trì điều kiện sống tối thiểu của người phải THA), luật pháp Nhật Bản đã trao quyền được lựa chọn biện pháp thi hành cho người được THA. Theo chuyên gia, đến một thời điểm thích hợp, Việt Nam có thể nghiên cứu việc trao quyền được lựa chọn cho người được THA vì đây là giải pháp hợp lý khi trình độ dân trí ngày càng cao và nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển.

Cũng giống Việt Nam, Nhật Bản có những quy định về tài sản cấm kê biên song lại không quy định tài sản nào kê biên trước, tài sản nào kê biên sau mà phân loại theo đối tượng thi hành (chia thành 2 loại là thi hành liên quan đến tiền và thi hành không liên quan đến tiền). Trong thi hành liên quan đến tiền thì thi hành đối với bất động sản và tàu biển phải thông qua hệ thống đăng ký. Đặc biệt, Nhật Bản có quy định đối với thi hành một số tài sản đặc thù như ô tô, máy bay; quy định về thi hành trái quyền và các quyền tài sản khác. Các chuyên gia đánh giá, trong điều kiện kinh tế thị trường, việc không có quy định về thi hành trái quyền và các quyền tài sản khác của Việt Nam đã gây nhiều trở ngại cho công tác THA. Ông Thuỷ thừa nhận vấn đề này và cho biết thêm, các quy định của Việt Nam chủ yếu là thi hành đối với bất động sản, chưa có thi hành đối với máy bay, còn thi hành đối với tàu biển mới đang trong quá trình xây dựng dự án pháp lệnh… Và mặc dù có nhiều điểm mới so với các quy định hiện hành, Dự án Luật THADS Việt Nam vẫn chưa có được các quy định cụ thể về thi hành không liên quan đến tiền như của Nhật Bản.

Hoàng Thư