Cần tối đa hoá các giao dịch được đăng ký nhằm hướng đến mục tiêu cung cấp đầy đủ thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản

12/03/2008
Đó là quan điểm nhận được sự ủng hộ của các đại biểu tham dự cuộc họp Tổ biên tập dự án Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm do Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp tổ chức sáng ngày 11/3/2008. Tham dự cuộc họp có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương, Bộ Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước, Mặt trận tổ quốc và đại diện một số Vụ, Viện thuộc Bộ Tư pháp là thành viên của Tổ biên tập và Nhóm thường trực biên tập dự án Luật.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về một số nội dung chủ yếu như: đối tượng đăng ký; phạm vi điều chỉnh; mô hình tổ chức cơ quan đăng ký; thời điểm có hiệu lực và thời hạn có hiệu lực của việc đăng ký; vai trò của công chứng viên, người chứng thực giao dịch bảo đảm trong việc yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm và việc hoàn trả lệ phí đăng ký.

Trên cơ sở ý kiến trao đổi, thảo luận tại cuộc họp, Tổ biên tâp đã thống nhất một số nội dung sau đây:

          (1) Đa số các ý kiến nhất trí xây dựng Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm là đạo luật chung điều chỉnh việc đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tất cả các loại tài sản nhưng vẫn có quy định cụ thể, mang tính đặc thù đối với một số loại tài sản như tàu bay, tàu biển..., đồng thời có pháp điển hóa các quy định hiện hành về đăng ký giao dịch bảo đảm.

          (2) Dự thảo Luật sẽ không đưa ra khái niệm mới về giao dịch bảo đảm vì khái niệm này đã được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005. Song, để tối đa hoá thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản, bên cạnh những trường hợp bắt buộc phải đăng ký theo quy định của pháp luật, dự Luật cần mở rộng các trường hợp đăng ký theo yêu cầu.

          (3) Về mô hình cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, đa số ý kiến nhất trí giữ nguyên như hiện nay nhưng giữa các cơ quan có thẩm quyền quyền đăng ký cần có sự cập nhật, trao đổi thông tin về giao dịch bảo đảm.

          (4) Thời điểm có hiệu lực của việc đăng ký là thời điểm ghi vào Sổ đăng ký hoặc nhập vào Cơ sở dữ liệu nhằm công khai hoá cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm hiểu. Đối với thời hạn có hiệu lực của việc đăng ký, đa số tán thành nên quy định thời hạn theo yêu cầu của người đăng ký.

          (5) Các thành viên cũng nhất trí hoàn trả lại lệ phí đăng ký cho người yêu cầu trong trường hợp đơn yêu cầu bị cơ quan đăng ký từ chối theo một trong các căn cứ đã được pháp luật quy định để đảm bảo công bằng cho người yêu cầu đăng ký.

Được biết, trên cơ sở ý kiến của các thành viên Tổ biên tập, trong những ngày tới, Nhóm thường trực xây dựng dự luật sẽ tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, đồng thời ý kiến của thiểu số cũng sẽ được báo cáo Ban soạn thảo xem xét, quyết định.

                                               

                                      Ngọc Phượng - Cục Đăng ký QGGDBĐ