Thực hiện Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004: Vướng nhiều về cơ chế

07/03/2008
Thực hiện Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004: Vướng nhiều về cơ chế
Ngày 7/3, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết Pháp lệnh Thi hành án dân sự (THADS) và chuyển giao án không quá 500 ngàn cho UBND cấp xã trực tiếp thi hành. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Án tồn đọng vẫn lớn

Báo cáo trước Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết: đến nay cả nước đã có 64 cơ quan THA cấp tỉnh, 676/679 cơ quan THA cấp huyện (hiện có 3 huyện đảo là Cồn Cỏ, Hoàng Sa và Trường Sa chưa có THA). Cả  nước có 8308 biên chế, trong đó có 2801 chấp hành viên. Khoảng trên 90% chấp hành viên đáp ứng nhu cầu về chuyên môn nghiệp vụ (có trình độ ĐH Luật). Đặc biệt số mới được bổ nhiệm mới trong năm 2005 và đầu 2006, 100% có trình độ cử nhân luật và hầu hết đã qua đào tạo nguồn bổ nhiệm chấp hành viên.

Nếu như năm 1994 – khi THA mới chuyển giao từ Toà án về cho cơ quan tư pháp, chỉ có 162 ngàn vụ việc phải thi hành với giá trị khoảng 700 tỷ đồng thì đến 2007, tổng số việc thụ lý đã lên tới gần 650 ngàn vụ việc, với số tiền gần 21.350 tỷ đồng (trong đó đã thi hành xong 302.373/381.051 việc, đạt gần 80%, thu số tiền 3351 tỷ 840 triệu đồng trên số có điều kiện thi hành). Tuy tỷ lệ giải quyết án hàng năm có tăng, song khối lượng án tồn đọng còn rất lớn (năm 2007 là gần 40%).

Thủ tục: Ngáng chân chấp hành viên

Mặc dù Pháp lệnh THADS 2004 đã tháo gỡ nhiều khó khăn cho cơ quan THA nhưng sau hơn 3 năm thi hành, Pháp lệnh này đã bộc lộ nhiều bất cập, trong đó nổi lên hàng đầu là vấn đề liên quan đến thủ tục THA. Từ việc thông báo, xét miễn, giảm, hỗ trợ tài chính, đến cưỡng chế, kê biên, phong toả tài khoản. Ông Nguyễn Văn Lực – Q.Trưởng THA TP. Hồ Chí Minh bức xúc: Tình trạng hoãn THA vẫn diễn ra rất phổ biến. Nhiều vụ việc cả hệ thống chính quyền và cơ quan THA đã bỏ bao chi phí, công sức để chuẩn bị cưỡng chế thì đột ngột…hoãn. Lý do, mặc dù Pháp lệnh THADS quy định người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định của Toà án có quyền yêu cầu hoãn một lần nhưng theo BLTTDS người có thẩm quyền kháng nghị lại ở nhiều cơ quan, nhiều cấp khác nhau. Do vậy, việc một bản án bị hoãn nhiều lần vẫn thường xuyên xảy ra. Ông Lực đề nghị: bỏ quy định người có thẩm quyền kháng nghị bản án có quyền yêu cầu hoãn thi hành án, hoặc quy định trong suốt quá trình THA, chỉ được hoãn duy nhất một lần theo yêu cầu của người kháng nghị. Đề nghị bổ sung thêm quy định người được THA cũng có quyền yêu cầu hoãn và quy định cơ quan THA được hoãn trong trường hợp không xác định được địa chỉ của người được THA.

Cũng liên quan đến vấn đề thủ tục, ông Nguyễn Đức Thu - Trưởng THADS Nghệ An lại tập trung vào những khó khăn xuất phát từ …Toà án. Pháp lệnh quy định: sau 30 ngày Toà phải chuyển giao bản án, quyết định cho cơ quan THA để thi hành. Tuy nhiên, Toà án thường dồn một cục để chuyển thành đợt (mỗi năm chỉ chuyển giao 3-4 lần). Thậm chí  nhiều bản án chỉ có phần án phí, tiền phạt, Toà ..quên hàng năm mới chuyển giao. Rồi chuyện án tuyên mập mờ, không rõ địa chỉ, nội dung tuyên không chính xác. THA làm công văn hỏi, yêu cầu Toà giải thích thì Toà trả lời rất chậm, thậm chí phải 3,4 lần hỏi mới được trả lời. Ông Thu kiến nghị: TANDTC trong công tác quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ phải quan tâm đến vấn đề này để hạn chế tính trạng Toà làm khó THA. Mặt khác cần quy định cụ thể trách nhiệm giải thích bản án trong Luật tổ chức TAND.

Cần nâng cao vị thế cho cơ quan THA

Đây là vấn đề mà đại đa số các đại biểu dự Hội nghị đều tán thành. THA là công việc phức tạp, động chạm đến quyền lợi của các bên, nhưng khi phải áp dụng biện pháp cưỡng chế, đương sự chống đối thì không có chế tài bảo đảm sự an toàn cho cán bộ, chấp hành viên. Về quy định, chấp hành viên là người có vai trò chính trong các vụ cưỡng chế, nhưng thực tế để cưỡng chế thành phải phụ thuộc vào nhiều lực lượng khác, kể cả chính quyền cơ sở. Nếu các lực lượng này không thiện chí phối hợp thì cũng coi như …công cốc. Bà Phạm Thị Đương - Trưởng THA Nam Định kiến nghị: Khi xây dựng Luật THADS tới đây nên quy định rõ hơn về chức năng nhiệm vụ của các cơ quan tổ chức hữu quan có trách nhiệm tham gia trong hoạt động THA, nhất là lực lượng bảo vệ cưỡng chế.Chung quan điểm này, ông Đỗ Xuân Hợi cho rằng: cần có lực lượng hỗ trợ riêng để tạo điều kiện cho cơ quan THA chủ động trong cưỡng chế.

Thu Hằng

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường:

Sau hơn 3 năm thực hiện Pháp lệnh THADS, bộ máy tổ chức cơ quan THA đã được củng cố, tăng cường. Hệ thống pháp luật về THADS cũng đầy đủ hơn (riêng Pháp lệnh THADS hiện đang có 43 văn bản hướng dẫn). Mặc dù vậy, công tác THADS còn nhiều bất cập, trong đó có bất cập về thể chế, thiếu tính hệ thống, trình tự thủ tục không chặt chẽ, tính khả thi chưa cao, vị thế của cán bộ, chấp hành viên cơ quan THA đã được nâng lên nhưng chưa xứng tầm… Đây là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng án tồn đọng ngày càng nhiều