Đăng ký khai sinh cho trẻ em miền núi: Chuyện không đơn giản…

10/03/2008
Ngày 10/3, Bộ Tư pháp phối hợp đã tổ chức Hội nghị sơ kết Dự án “Tăng cường đăng ký khai sinh (ĐKKS) cho trẻ em vùng miền núi” do Tổ chức PLAN của Phần Lan tài trợ tại 2 tỉnh Lạng Sơn và Lai Châu trong 2 năm 2007 - 2008. Theo đánh giá của Ban quản lý Dự án, nhìn chung, các hoạt động của Dự án được triển khai và thực hiện có hiệu quả nhưng vẫn còn một số hạn chế có thể ảnh hưởng đến mục tiêu chung của cả Dự án.

“Cán bộ cần thì cán bộ làm”!

Một trong những mục tiêu cơ bản mà Dự án đặt ra là nâng cao nhận thức, sự quan tâm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý xã, phường, thị trấn; của gia đình, cộng đồng và trẻ em tại 8 xã điểm trong việc thực hiện quyền ĐKKS cho trẻ em. Vì vậy, BQL Dự án - Bộ Tư pháp và Tiểu BQL Dự án 2 tỉnh Lạng Sơn và Lai Châu đều coi trọng công tác nâng cao nhận thức thông qua các hoạt động truyền thông, tập huấn, toạ đàm, ĐKKS lưu động… BQL Dự án - Bộ Tư pháp đã thiết kế và in ấn rất nhiều tờ rơi, áp phích để cung cấp cho 2 tỉnh thực hiện Dự án cũng như cho một số tỉnh miền núi như Cao Bằng, Hoà Bình, Điện Biên, Hà Giang. Qua một năm thực hiện Dự án, Lạng Sơn đã tổ chức được 25 lớp tập huấn nghiệp vụ ĐKKS cho 830 người, trong đó có cả lãnh đạo UBND cấp xã và các ban ngành đoàn thể khác nên đã giúp họ hiểu rõ hơn tầm quan trọng của ĐKKS đối với trẻ em, đồng thời hỗ trợ và ủng hộ cán bộ tư pháp trong ĐKKS cho trẻ trên địa bàn. Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện được 16 cuộc truyền thông tại xã, 40 cuộc toạ đàm trực tiếp giữa cha, mẹ, trẻ em và cán bộ chính quyền về ĐKKS và ĐKKS lưu động tại các thôn, bản cho hàng trăm trẻ. So với Lạng Sơn, mức độ triển khai của Lai Châu có khiêm tốn hơn, song cũng được 7 lớp tập huấn, 3 cuộc truyền thông, 3 cuộc toạ đàm.

Tuy nhiên, nếu như các tỉnh miền xuôi đạt được mục tiêu này không quá khó thì có thể nói, ở 2 tỉnh miền núi trên lại trở thành vấn đề khá nan giải. Ông Bùi Quang Minh - Điều phối viên của Dự án - cho biết, chính gia đình của trẻ chưa hiểu hết về quyền trẻ em, chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của Giấy khai sinh, những lợi ích của Giấy khai sinh mà trẻ được hưởng nên thường phó mặc cho nhà trường, giáo viên. Thậm chí, không ít cha, mẹ của trẻ tuyên bố “Cán bộ cần thì cán bộ làm, chứ chúng tôi biết đâu mà làm”. Và đáng buồn hơn, có cán bộ lãnh đạo Phòng Tư pháp chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện Dự án, thiếu sự quan tâm đối với các hoạt động của Dự án. Trưởng tiểu BQL Dự án tỉnh Lai Châu – Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Quang Tản đã thẳng thắn thừa nhận, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Tam Đường còn thờ ơ với việc chỉ đạo điều hành Dự án.

Chưa đảm bảo tiến độ giải ngân

Theo ông Nguyễn Quốc Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp, trên cơ sở tổng hợp tình hình giải ngân của 2 Tiểu BQL Dự án, việc giải ngân trong năm 2007 tại 2 tỉnh đều chưa đạt. So với số tiền thực chuyển, tỷ lệ giải ngân của Lạng Sơn đạt hơn 80%, của Lai Châu là 81,5%. Còn so với kế hoạch tổng thể, tỷ lệ này càng thấp hơn - chỉ đạt 45,47% ở Lạng Sơn và 23,6% tại Lai Châu. Ông Cường phân tích, cả 2 Tiểu BQL Dự án mắc phải thiếu sót chung là việc báo cáo thanh quyết toán chưa kịp thời, một số thủ tục thanh quyết toán (hoá đơn, chứng từ) lại chưa hợp lệ.

So sánh với đánh giá về tiến độ thực hiện Dự án của tổ chức PLAN, con số đạt được còn rất thấp. Cụ thể, tỷ lệ giải ngân mới đạt 74.93% tại Sở Tư pháp Lạng Sơn và 41,25% tại Lai Châu. Ông Minh khẳng định, khả năng giải ngân kém sẽ đem lại nhiều hệ luỵ. Chẳng hạn, việc không tiêu hết ngân sách Dự án dẫn đến phải hoàn trả ngân sách tài trợ vào cuối năm 2008. Không những thế, các mục tiêu đã đề ra không được hoàn thành sẽ khó cho phía Việt Nam khi xin các dự án tài trợ tiếp theo. Bên cạnh đó, trẻ em dân tộc miền núi không kịp thời được ĐKKS để hưởng các quyền cơ bản của mình như y tế, giáo dục… Và trên hết, cam kết của chính phủ Việt nam đối với cộng đồng quốc tế về việc ĐKKS cho toàn bộ trẻ em sẽ không thành hiện thực.

Hoàng Thư