Chỉnh lý dự thảo 7 Luật Thi hành án dân sự

10/03/2008
Ngày 10/3, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã nghe Tổ Biên tập dự thảo Luật THADS báo cáo những chỉnh lý cho dự thảo 7 sau khi tiếp thu ý kiến của Ban Soạn thảo và kiến nghị, đề xuất của các cơ quan THADS địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Thuỷ – Phó Cục trưởng Cục THADS, thành viên Tổ Biên tập – cho biết, đến nay, đa số các ý kiến đã thống nhất không đưa án hành chính (phần phi tài sản) vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật THADS; trước mắt chưa đưa các qui định về thanh tra THA vào dự thảo luật; chỉ qui định hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động THA chứ không qui định mức phạt cụ thể; giữ nguyên tên gọi hiện nay của hệ thống các cơ quan THADS địa phương (tỉnh, huyện, quân khu), riêng ở cấp TƯ sẽ có Tổng cục THADS để vừa quản lý nghiệp vụ vừa giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về THA; giữ nguyên qui định bổ nhiệm chấp hành viên (CHV) theo nhiệm kỳ, đồng thời tăng thẩm quyền cho CHV (có quyền khám xét, thu giữ tài sản… để phục vụ THA); bỏ qui định về thừa hành viên trong xã hội hoá hoạt động THA, thay vào đó qui định rõ cá nhân, tổ chức được trực tiếp THA hoặc hỗ trợ cơ quan THA… (với mức độ, phạm vi, quyền hạn… do Chính phủ qui định); không áp dụng chế độ biệt phái đối với lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp trong việc phối hợp, bảo vệ THADS mà qui định cảnh sát hỗ trợ tư pháp phải thực hiện các yêu cầu, kế hoạch của CHV nhằm tăng cường tính chủ động cho CHV khi thi hành nhiệm vụ; không qui định cụ thể nội dung, mức độ, chủ thể phải thực hiện bồi thường cho người dân khi bị vi phạm quyền lợi trong quá trình THA mà chỉ qui định về nguyên tắc và thực hiện theo các qui định pháp luật liên quan đến bồi thường. Về thời hiệu yêu cầu THA được thống nhất với phương án qui định thời hiện dài hơn qui định hiện nay là 7 -30 năm (tuỳ đối tượng THA là động sản, bất động sản, giao dịch…). Cũng theo đó, hết thời hiệu này, người được THA sẽ mất quyền yêu cầu được THA.

Trên cơ sở các chỉnh lý và ý kiến đóng góp thêm của các thành viên tổ biên tập, Bộ trưởng Hà Hùng Cường kết luận, dự thảo phải qui định cụ thể vấn đề xã hội hoá trong THA với các nội dung như cá nhân đáp ứng đủ các điều kiện do Chính phủ qui định để tham gia hoạt động THA phải thành lập tổ chức để THA, có thể được thay mặt cơ quan THADS thực hiện các hoạt động THA các vụ việc thuộc về quan hệ dân sự (trừ các vụ việc liên quan đến Nhà nước), một số vụ việc khác do Toà án hoặc cơ quan THADS uỷ quyền và những việc khác do pháp luật qui định. Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh phải qui định cho các cá nhân, tổ chức được thực hiện THA có các quyền và nghĩa vụ tương đương với CHV mới đảm bảo hiệu quả hoạt động của họ. Về thời hiệu yêu cầu THA, Bộ trưởng cho rằng, có thể xem xét hai phương án 3 năm (phù hợp với qui định trong Bộ luật TTDS) hoặc 5 năm (bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người được THA). Ngoài ra, theo Bộ trưởng, cần có những qui định đơn giản hoá các thủ tục thông báo, thu phí trong THA; qui định chặt chẽ về việc hoãn THA; phải có cơ chế để người phải THA tự nguyện có điều kiện THA thuận lợi; để mọi cơ quan THADS phải cấp giấy chứng nhận THA xong đối với những trường hợp các bên đương sự tự nguyện thoả thuận THA; công cụ hỗ trợ cho CHV; các qui định giải quyết án tồn đọng khi hết thời hiệu yêu cầu THA; tăng cường vai trò của các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp trong việc bán đấu giá tài sản để THA; qui định trách nhiệm của lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp trong việc bảo vệ kho tàng, tài vật của cơ quan THADS; xác định rõ trách nhiệm đôn đốc THA của cơ quan THADS sau khi chuyển vụ án, chuyển thẩm quyền THA;…

Theo kế hoạch, Dự thảo 7 sẽ được chỉnh lý để Ban Soạn thảo và Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật THADS trong tháng này./.

H.Giang