Bộ Tư pháp Việt Nam – Lào: Trao đổi kinh nghiệm về gia nhập WTO

14/03/2008
Bộ Tư pháp Việt Nam – Lào: Trao đổi kinh nghiệm về gia nhập WTO
Hôm qua (13/3), trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 9-14/3, Đoàn cán bộ Bộ Tư pháp Lào do đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp Ket Kiettisak làm Trưởng Đoàn đã có buổi làm việc với Bộ Tư pháp Việt Nam về vấn đề gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của Bộ Tư pháp trong kế hoạch gia nhập và sau khi gia nhập WTO, cũng như việc thực thi các cam kết của WTO.

Tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế Hoàng Phước Hiệp, một trong số ít những cán bộ Việt Nam tham gia đầy đủ các vòng đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam kể từ năm 1995-2006, đã giới thiệu tổng quát về WTO kể từ khi thành lập, bản chất đích thực của tổ chức này. Liên quan tới quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam, ông Hoàng Phước Hiệp trao đổi với các bạn Lào về nhiệm vụ được giao của một số Bộ, ngành chủ chốt liên quan tới vấn đề hội nhập, chẳng hạn như: Bộ Tư pháp đảm nhiệm các công việc liên quan tới luật pháp, trong đó đặc biệt là công tác rà soát các văn bản pháp luật; Bộ Thương mại đảm nhiệm phần thương mại, dịch vụ; Bộ Tài chính đảm nhiệm về vấn đề thuế quan; Bộ Kế hoạch-Đầu tư “lo” về đầu tư, doanh nghiệp, đặc khu kinh tế; Ngân hàng Nhà nước “lo” phần quản lý ngoại hối… Các cơ quan này đều có đại diện trong Uỷ ban quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế. Riêng về phần mình, Bộ Tư pháp đóng vai trò quan trọng trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, mà một trong những kinh nghiệm thu được cho thấy rằng, việc chủ động rà soát pháp luật để có những điều chỉnh thích hợp đối với hệ thống pháp luật trong nước là rất thiết thực, vừa góp phần hoàn thiện pháp luật phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, vừa giành được niềm tin của các đối tác nước ngoài trong quá trình đàm phán gia nhập WTO.

Trả lời băn khoăn của phía bạn Lào về việc ngoài các vấn đề luật pháp ra, quá trình đàm phán gia nhập WTO còn gặp phải những vấn đề gì phức tạp, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế Hoàng Phước Hiệp chia sẻ: “Quả thực người ta nói đùa WTO như một “market” (chợ), trong đó có 4 “ông gác cổng” (“Bộ Tứ”) là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và Canada. Muốn vào WTO thì phải có được sự đồng ý của “Bộ Tứ”, mà họ có những đòi hỏi khác nhau với từng thành viên cụ thể”. Ông Hoàng Phước Hiệp cho biết, thực tiễn đàm phán gia nhập WTO cho thấy, người ta chia làm 3 loại quốc gia khác nhau, tương ứng với 3 cách xử lý khác nhau trong đàm phán. Việt Nam được xếp vào loại các nước đang phát triển, còn Lào được xếp vào loại các nước phát triển ở mức độ thấp. Theo ông Hiệp, tại phiên họp gần đây nhất (cuối năm 2007), Trưởng Ban Công tác về gia nhập WTO của Lào, Đại sứ Australia, nói rằng có khả năng Lào sẽ gia nhập WTO vào năm 2009. Tuy nhiên, ông Hiệp cho rằng, thời gian Lào “vào được” WTO còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác nhau, mà trước hết là điều kiện từ phía “Bộ Tứ”. Ông cũng chia sẻ với các bạn Lào về những khó khăn trong quá trình đàm phán của Việt Nam, đặc biệt là trong đàm phán với Hoa Kỳ. Khi đó, Hoa Kỳ đã đưa ra nguyên tắc đàm phán cả gói với Việt Nam, mà “gói đó gồm rất nhiều thứ chứ không phải chỉ có kinh tế”. Trong khi đó, đàm phán với Nhật Bản, EU và Canada không căng thẳng như với Hoa Kỳ.

          Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lào Ket Kiettisak cho biết, Bộ Tư pháp Lào có vẻ như có vai trò “bị động” trong quá trình đàm phán gia nhập WTO. Tuy nhiên, ông Hoàng Phước hiệp cho rằng, một khi đã gia nhập WTO, pháp luật sẽ là vấn đề cốt lõi trong tổ chức này vì WTO có cơ chế báo cáo, bảo đảm nguyên tắc minh bạch nghĩa vụ của các thành viên. Như vậy, lúc đó Bộ Tư pháp Lào chắc chắn sẽ phải đảm nhận một khối lượng công việc không nhỏ.

          Kết thúc buổi làm việc, Vụ trưởng Hoàng Phước Hiệp khẳng định sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm đã thu lượm được, cả những khó khăn và thuận lợi, cho phía bạn Lào anh em. Hai bên bày tỏ mong muốn Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác trong thời gian tới, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị, truyền thống, đoàn kết đặc biệt Việt Nam và Lào.

 Chiều qua, Đoàn cán bộ Bộ Tư pháp Lào đã tới thăm và làm việc với Công ty Luật VILAF-Hồng Đức. Hai bên đã trao đổi về lịch sử phát triển và những thay đổi về hành nghề luật sư tư trong 20 năm vừa qua; quy mô hành nghề luật sư tư hiện nay; sự cần thiết ban hành pháp luật nhằm điều chỉnh hoạt động hành nghề luật sư và tác động của Luật Luật sư đối với hoạt động hành nghề của luật sư. Hôm nay (14/3), Đoàn sẽ rời Hà Nội, kết thúc chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam./.

Thuỷ Thu

Ngày 12/3, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Đoàn cán bộ Bộ Tư pháp Lào cũng đã có buổi làm việc với Vụ Hành Chính – Tư pháp. Hai bên đã trao đổi các quy định pháp luật Việt Nam về quản lý hộ tịch, thu thập văn bản pháp luật về quản lý và đăng ký hộ tịch.

Liên quan tới việc giải quyết vấn đề nhập quốc tịch cho bà con hai nước sinh sống gần khu vực biên giới chung, hiện nay Bộ Tư pháp hai nước đang tích cực triển khai. Về phía Lào, trong năm 2007, đã giải quyết khoảng 100 trường hợp Việt Kiều sinh sống trên đất Lào giáp với biên giới Việt Nam muốn nhập quốc tịch Lào. Về phía Việt Nam, ông Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính – Tư pháp, Bộ Tư pháp, cho biết, đây là một trong những vấn đề trọng tâm về hành chính-tư pháp của Bộ Tư pháp Việt Nam trong năm 2008. Hiện nay, Bộ Tư pháp hai nước đang hợp tác với nhau để tổng rà soát và lập danh sách những trường hợp muốn nhập quốc tịch Lào hoặc Việt Nam. Ông Trần Thất hy vọng rằng, Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi) một khi có hiệu lực sẽ tạo điều kiện giải quyết đơn giản hơn vấn đề này giữa hai nước trong thời gian tới.