Đến dự hội thảo có đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Công an, Tòa án, đại diện một số Sở Tư pháp... Ông Hoàng Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, chủ trì hội thảo.
Luật Lý lịch tư pháp đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 17/6/2009 và chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2010. Sau hơn 05 năm triển khai thi hành Luật Lý lịch tư pháp, đến nay hệ thống văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật đã cơ bản đầy đủ và hoàn thiện, tạo tiền đề cơ bản để đưa Luật Lý lịch tư pháp từng bước đi vào cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp riêng theo đúng nguyên tắc của hoạt động này, theo hướng chuyên nghiệp và từng bước hiện đại, gắn với việc xây dựng cơ sở dữ liệu với cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Một số kết quả đã đạt được như: (i) Về tổ chức triển khai thi hành Luật Lý lịch tư pháp và quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp đã có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ Tư pháp, sự phối kết hợp giữa Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an và các cơ quan liên quan trong việc điều hành, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc ở trung ương và địa phương đối với công tác lý lịch tư pháp; (ii) Về công tác xây dựng, quản lý vận hành, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp: Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến, cùng sự phối hợp giữa Trung tâm Lý lịch tư pháp, Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát - Bộ Công an (C53) và các Sở Tư pháp đã góp phần giải quyết kịp thời việc tra cứu, xác minh thông tin để cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người dân, tạo thuận lợi tối đa và tiết kiệm chi phí cho người dân, đồng thời thể hiện được tầm quan trọng của phiếu lý lịch tư pháp trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Trong hơn 05 năm qua, tính đến ngày 30/9/2015, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã cấp được 1.012.000 phiếu lý lịch tư pháp, trong đó, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia cấp 485 phiếu lý lịch tư pháp của người nước ngoài có thời gian cư trú tại Việt Nam, các Sở Tư pháp cấp hơn 1.011.000 phiếu.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp trong 05 năm qua vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, bất cập cả về thể chế, thiết chế và năng lực thực thi, như: Nhận thức của một bộ phận lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức tại một số địa phương về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác lý lịch tư pháp còn hạn chế, chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, nên chưa thực sự quan tâm, chú trọng tới công tác xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, hoặc có quan tâm nhưng chưa đúng mức; nguồn nhân lực biên chế để đảm bảo hiệu quả hoạt động về lý lịch tư pháp chưa ổn định, còn thiếu và yếu cả về số lượng và chất lượng; sự phối hợp giữa các cơ quan trong công tác lý lịch tư pháp tại một số địa phương còn chưa hiệu quả, chặt chẽ, chưa thực hiện đúng quy định của Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; cơ sở vật chất và hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của Luật Lý lịch tư pháp. Số lượng thông tin lý lịch tư pháp chưa được xử lý, cập nhật vào cơ sở dữ liệu còn tồn đọng khá lớn, hệ thống cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp còn rỗng và thiếu đồng bộ, thiếu chính xác. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lý lịch tư pháp còn hạn chế; mô hình cơ sở dữ liệu hai cấp đang dần bộc lộ những thiếu sót, hạn chế, gây khó khăn trong việc cung cấp, quản lý thông tin lý lịch tư pháp.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã có nhiều ý kiến tham luận góp ý xây dựng nhằm nâng cao hiệu quả công tác lý lịch tư pháp trong thời gian tới. Phát biểu kết thúc hội thảo, Ông Hoàng Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, đánh giá hội thảo là hoạt động có ý nghĩa thực tiễn và lý luận, đồng thời ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, các Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan đã góp phần đưa Luật Lý lịch tư pháp thực sự đi vào đời sống xã hội.
Việt Tiến