Hội nghị quán triệt việc triển khai thi hành Luật ban hành VBQPPL khu vực phía Nam, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên

09/11/2015
Hội nghị quán triệt việc triển khai thi hành Luật ban hành VBQPPL khu vực phía Nam, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên
Ngày 06/11 năm 2015, tại Thành phố Cần Thơ, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị, Tọa đàm quán triệt việc triển khai thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 khu vực phía Nam, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Mục đích của Hội nghị là nhằm giới thiệu những quy định mới của Luật, quán triệt kế hoạch triển khai thi hành Luật của Chính phủ, Bộ Tư pháp và trao đổi, tọa đàm các nội dung liên quan đến Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tham dự Hội nghị có đại diện của Văn phòng Ủy ban nhân dân, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân và Sở Tư pháp của 32 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và các cơ quan, ban ngành, cơ quan chuyên môn của Thành phố Cần Thơ. Hội nghị do đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật chủ trì.

Hội nghị đã nghe Báo cáo viên giới thiệu về những điểm mới của Luật, trong đó tập trung vào một số điểm mới quan trọng như quy định rõ hơn khái niệm văn bản quy phạm pháp luật, quy định rõ hơn thẩm quyền về mặt nội dung của hình thức văn bản tương ứng với từng chủ thể có thẩm quyền, giảm bớt một số loại văn bản như chỉ thị của Ủy ban nhân dân các cấp, thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; quy định trách nhiệm pháp lý của các cơ quan nhà nước, nhất là người đứng đầu của các cơ quan, tổ chức từ giai đoạn lập đề nghị, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, góp ý đến ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quy định rõ hơn phương thức, thời gian lấy ý kiến dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân….

Đặc biệt, Báo cáo viên đã giới thiệu về quy trình chính sách theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 - điểm đột phá lớn nhất của Luật mới. Theo đó, Luật năm 2015 đã quy định tách quy trình xây dựng, phân tích, phê duyệt chính sách với quy trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; trong đó tập trung vào quy trình xây dựng chính sách trong quá trình lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cũng như trong quá trình soạn thảo một số loại văn bản với nhiều yêu cầu rất cao đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị xây dựng văn bản, cũng như đối với cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản, đặc biệt là yêu cầu đánh giá tác động của chính sách, thẩm định chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản.

Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Luật năm 2015, Hội nghị đã nghe Báo cáo viên giới thiệu và quán triệt nội dung Quyết định số 1573/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1785/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Theo đó, những hoạt động chủ yếu cần được tiến hành để triển khai Luật bao gồm: tổ chức quán triệt và phổ biến Luật năm 2015; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến Luật năm 2015, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới để bảo đảm thi hành hiệu quả Luật năm 2015; xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng trình Chính phủ các nghị định sửa đổi, bổ sung, thay thế các nghị định liên quan đến Luật năm 2015; ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp để hướng dẫn thực hiện Luật năm 2015; tập huấn chuyên sâu về Luật năm 2015; hoàn thiện và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật và Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; rà soát, đề xuất sắp xếp đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật.

Hội nghị cũng đã dành thời gian để trao đổi, thảo luận và giải đáp về những vấn đề liên quan đến nội dung của Luật mới, trong đó tập trung vào một số vấn đề như cách thức xử lý vấn đề “khoảng trống pháp luật” trong trường hợp văn bản quy định chi tiết không được ban hành kịp thời để có hiệu lực cùng thời điểm với văn bản được quy định chi tiết; vấn đề bảo đảm tính kịp thời của việc xem xét, thông qua nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; thời hạn thẩm định văn bản quy phạm pháp pháp luật của Ủy ban nhân dân cấp huyện; hình thức văn bản bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật; vấn đề đính chính văn bản quy phạm pháp luật...

Theo Kế hoạch, ngày 12/11/2015, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức Hội nghị quán triệt thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại Quảng Bình cho Văn phòng Ủy ban nhân dân, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, Bắc Trung Bộ. Tiếp sau đó, sẽ tổ chức Hội nghị quán triệt dành cho đại diện các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, tổ chức khác có liên quan tại Hà Nội.

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9 ngày 22/6/2015 và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016. Ngày 06/7/2015, Chủ tịch nước đã ký lệnh số 07/2015/L- CTN công bố Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Khi có hiệu lực, Luật mới sẽ thay thế Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004. Với tính chất là một “luật làm luật”, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật là một đạo luật hết sức quan trọng trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Luật quy định nguyên tắc, thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có nhiều nội dung đổi mới quan trọng, mang tính đột phá trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm giúp Việt Nam thành công trong việc xây dựng và vận hành hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đáp ứng được sự mong đợi của các nhà lập pháp khi quyết định thông qua đạo Luật này.