Thành viên Đoàn kiểm tra gồm có đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị hữu quan: Vụ các vấn đề xã hội của Văn phòng Quốc hội; Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp: Vụ pháp luật hình sự - hành chính, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật.
Tại Sở LĐ-TB&XH thành phố Hồ Chí Minh, đại diện lãnh đạo Sở đã tiếp và làm việc với Đoàn kiểm tra. Tham gia cùng làm việc với Đoàn có đại diện Công an thành phố, Sở Tư pháp, Sở Y tế, Sở Tài chính, Lực lượng thanh niên xung phong thành phố, Phòng LĐ-TB&XH của một số quận, huyện, đại diện Cơ sở xã hội Bình Triệu, Cơ sở xã hội thanh thiếu niên 2 và đại diện một số đơn vị thuộc Sở LĐ-TB&XH.
Báo cáo tại buổi kiểm tra, đại diện Sở LĐ-TB&XH thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian qua, Sở đã chủ động chuẩn bị và làm tốt công tác tham mưu cho UBND thành phố trong chỉ đạo, ban hành văn bản theo thẩm quyền để triển khai thực hiện Nghị quyết số 77/2014/QH13, nhất là đối với việc chuẩn bị, bảo đảm các điều kiện, cơ sở vật chất, pháp lý thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Nghị quyết này. Do vậy, việc quản lý các đối tượng nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại thành phố Hồ Chí Minh bước đầu đi vào nề nếp. UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành 03 Quyết định thành lập các Cơ sở xã hội: Bình Triệu, Nhị Xuân và Thanh thiếu niên 2 trên cơ sở tổ chức lại các cơ sở cai nghiện bắt buộc của thành phố trước đây với quy mô tiếp nhận hơn 2.500 người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định.
Kết luận tại buổi kiểm tra, đồng chí Đặng Thanh Sơn đánh giá cao việc chuẩn bị về hồ sơ, tài liệu phục vụ công tác kiểm tra cũng như sự có mặt, tham gia đầy đủ của các thành viên dự họp theo yêu cầu. Ghi nhận những kết quả Sở LĐ-TB&XH thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được, Đoàn kiểm tra đánh giá, các quy định của Nghị quyết số 77/2014/QH13, trên cơ sở chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND Thành phố, đã được Sở LĐ-BT&XH chủ động triển khai đầy đủ, có trọng tâm, trọng điểm và bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Để tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả của công tác này, trong thời gian tới, Đoàn kiểm tra đề nghị Sở LĐ-TB&XH cần tiếp tục triển khai hoạt động này sát sao và hiệu quả hơn. Đoàn cũng đã trao đổi, ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của Sở LĐ-TB&XH thành phố Hồ Chí Minh để tổng hợp để xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Sáng ngày 03/11/2015, Đoàn kiểm tra tiếp tục làm việc với Cơ sở xã hội Thanh thiếu niên 2 (xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi) về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 77/2014/QH13. Tiếp và làm việc với Đoàn kiểm tra có đồng chí Nguyễn Trung Hiếu - Giám đốc Cơ sở xã hội Thanh thiếu niên 2, cùng với đại diện Lãnh đạo các phòng ban và Lãnh đạo một số đơn vị có liên quan.
Tại buổi làm việc, Đoàn kiểm tra đã nghe đại diện Cơ sở xã hội Thanh thiếu niên 2 báo cáo và trực tiếp thăm các khu tiếp nhận, cắt cơn, điều trị, tư vấn tâm lý cho các đối tượng người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định; dự phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Tòa án nhân dân quận tại Cơ sở. Đoàn kiểm tra đã có những nhận xét, đánh giá đồng thời yêu cầu Cơ sở xã hội Thanh thiếu niên 2 làm rõ hơn một số nội dung liên quan đến vấn đề xác định tình trạng nghiện; phân loại đối tượng; các biện pháp nhằm bảo đảm điều kiện sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ an toàn, bảo đảm quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định được tiếp nhận, quản lý tại Cơ sở; quy chế hoạt động của Cơ sở xã hội Thanh thiếu niên 2…
Buổi chiều cùng ngày, Đoàn kiểm tra tiếp tục đến thăm và làm việc với Cơ sở xã hội Nhị Xuân. Tiếp và làm việc với Đoàn kiểm tra có đồng chí Nguyễn Văn Bình - Phó Chỉ huy trưởng lực lượng Thanh niên xung phong, đồng chí Bùi Thanh Tuấn - Giám đốc Cơ sở xã hội Nhị Xuân. Theo Báo cáo, từ ngày 05/12/2014 đến ngày 28/10/2015, đơn vị đã tiếp nhận 2.820 người của 14 quận, huyện không có nơi cư trú ổn định chuyển đến trong đó, đã chuyển đến cơ sở cai nghiện bắt buộc 1.934 người sau khi có quyết định của cơ quan TAND theo đúng quy định. Hiện tại, số đối tượng không có nơi cư trú ổn định đang được quản lý tại cơ sở là 306 người, trong đó có 24 đối tượng là nữ./.
Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật
Phạm Thị Hồng Vân, Cục QLXLVPHC