Mục đích của cuộc khảo sát, đánh giá nhằm đánh giá, đôn đốc các địa phương trong việc triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, trong đó tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức pháp chế; khảo sát tình hình thực tế ở các địa phương về những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, bất cập của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP; phân tích nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc; tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của các địa phương để có giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác pháp chế trong thời gian tới.
Sau hơn 04 năm thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ, công tác pháp chế ở các địa phương đã đạt được nhiều kết quả, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cụ thể là: UBND tỉnh Bến Tre trong khi chưa bổ sung biên chế để thành lập Phòng Pháp chế, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo, lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh trên cơ sở tổng số biên chế công chức hiện có, phân công ít nhất 01 công chức làm công tác pháp chế chuyên trách, bố trí làm việc tại bộ phận Thanh tra hoặc Văn phòng Sở. Đến nay, có 09/17 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đã bố trí người làm công tác pháp chế chuyên trách, còn lại là kiêm nhiệm; UBND tỉnh Trà Vinh đã ban hành 14 Quyết định về việc thành lập Phòng Pháp chế tại 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Do khó khăn về biên chế nên hiện nay tại mỗi cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đã bố trí 01 công chức làm công tác pháp chế chuyên trách; UBND thành phố Cần Thơ cũng đã ban hành Quyết định về việc thành lập Phòng Pháp chế tại 14 cơ quan chuyên môn theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP. Đến nay, tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố đã bố trí được 29 công chức và nhân viên chuyên trách làm công tác pháp chế. Tuy nhiên, do việc điều chuyển công tác và sắp xếp lại tổ chức bộ máy, hiện nay còn 12 Phòng Pháp chế với 27 công chức, đa số là chuyên trách.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác pháp chế, công tác pháp chế ở các địa phương thời gian qua còn có một số khó khăn, vướng mắc sau: nhận thức về vị trí, vai trò của công tác pháp chế ở một số địa phương còn khác nhau, có lúc, có nơi công tác này còn chưa được quan tâm đúng mức; Nghị định số 55/2011/NĐ-CP chưa có các văn bản hướng dẫn thi hành; công tác phối hợp giữa bộ phận làm công tác pháp chế với các bộ phận khác trong từng cơ quan chuyên môn và giữa các cơ quan còn chưa hiệu quả; chất lượng của công tác tham mưu cho lãnh đạo cơ quan, đơn vị ở địa phương của người làm công tác pháp chế còn hạn chế; người làm công tác pháp chế còn chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên về chuyên môn, nghiệp vụ; chưa có chế độ, chính sách ưu đãi thu hút người làm công tác pháp chế; tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP còn chưa phù hợp với địa phương, gây khó khăn trong việc tuyển dụng…Vì vậy, công tác pháp chế còn chưa đi vào thực chất, hiệu quả. Đặc biệt, trong bối cảnh thực hiện chủ trương của Đảng về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, việc bố trí, sắp xếp người làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc một số Thông tư, Thông tư liên tịch được ban hành trong thời gian vừa qua hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh trong đó không quy định Phòng Pháp chế đã gây khó khăn, lúng túng cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện…
Trên cơ sở ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu, đại diện Đoàn khảo sát đã tổng hợp ý kiến của các đại biểu, đề nghị UBND cấp tỉnh: tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, bố trí nguồn lực cần thiết cho công tác pháp chế nhất là trong bối cảnh thực hiện chủ trương của Đảng về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy; đề nghị Sở Tư pháp phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cho UBND cấp tỉnh bố trí, sắp xếp điều chuyển biên chế trong tổng số biên chế hiện có ở địa phương làm công tác pháp chế tại các Sở, ngành theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP; lãnh đạo các địa phương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, tạo ra các diễn đàn để người làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đồng thời, đề nghị lãnh đạo các địa phương cần có nhận thức chung, thống nhất về công tác pháp chế, theo đó, pháp chế không chỉ làm công tác xây dựng pháp luật mà bên cạnh đó còn phải nhiều nhiệm vụ khác theo quy định Nghị định số 55/2011/NĐ-CP…từ đó, để có sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho công tác này.
Về phía Bộ Tư pháp, sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ, ngành, địa phương tập trung nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP trình Chính phủ xem xét, ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định. Đồng thời, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tổ chức các đợt bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu, giúp cho người làm công tác pháp chế ở các địa phương nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, nhất là trong bối cảnh Quốc hội thông qua nhiều văn bản Luật quan trọng (Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật…); đổi mới phương thức quản lý nhà nước, công tác phối hợp giữa Bộ với các cơ quan nhằm nâng cao hiệu quả công tác pháp chế trong thời gian tới.
Trước đó, vào tháng 6/2015, trong khuôn khổ hoạt động của Bộ Tư pháp và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Bộ Tư pháp cũng đã tổ chức Đoàn liên ngành (Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính) kiểm tra, khảo sát về tình hình thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND tỉnh Hưng Yên và UBND tỉnh Hà Nam./.