Đối thoại cộng đồng doanh nghiệp, luật sư, luật gia, chuyên gia, nhà khoa học dự thảo Luật ban hành VBQPPL

12/06/2015
Đối thoại cộng đồng doanh nghiệp, luật sư, luật gia, chuyên gia, nhà khoa học dự thảo Luật ban hành VBQPPL
Hôm nay (12/06), tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo đối thoại cộng đồng doanh nghiệp, luật sư, luật gia, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật BHVBQPPL).

Ông Isabeau Vilandre, Giám đốc Văn phòng dự án Phát triển lập pháp quốc gia tại Việt Nam và ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật chủ trì Hội thảo. Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đến tham dự Hội nghị.

Lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng – một trong những bước đột phá trong xây dựng dự thảo Luật BHVBQPPL

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Tuyến nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án Luật BHVBQPPL và ảnh hưởng của Luật này đến tất cả bộ, ngành ở Trung ương và địa phương. Nhắc lại Hội thảo đối thoại Đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật BHVBQPPL được tổ chức vừa qua, ông cho biết, có rất nhiều ý kiến góp ý cho Ban soạn thảo, đặc biệt là cơ quan chủ trì chỉnh lý dự thảo Luật. Trên cơ sở ý kiến đó, đến nay, dự thảo Luật đã được chỉnh lý thêm một bước. Hội thảo lần này nằm trong chuỗi các hoạt động truyền thông nhằm lấy ý kiến rộng rãi đối với Luật ban hành VBQPPL, ông Tuyến khẳng định, “lấy ý kiến rộng rãi đối với dự thảo Luật là một trong những bước đột phá trong luật này”.

   

Đồng tình với ông Nguyễn Hồng Tuyến về vai trò quan trọng của Luật BHVBQPPL, ông Isabeau Vilandre, Giám đốc Văn phòng dự án Phát triển lập pháp quốc gia tại Việt Nam cho biết, “ở Canada cũng có Luật tương tự như Luật BHVBQPPL ở Việt Nam, nó quy định những luật cơ bản sẽ được xây dựng như thế nào”. Theo ông, Việt Nam cần tìm ra mô hình riêng của mình cho phù hợp với chế độ, thể chế chính trị, mặc dù không phải là nhiệm vụ dễ dàng, nhưng Hiến pháp năm 2013 đã tạo ra cơ sở để xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Ông cho rằng, trong tương lai, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam sẽ cần có cơ chế để thực thi các văn bản pháp luật đó.

Quy trình xây dựng VBQPPL ngày càng trở nên minh bạch

Giới thiệu những điểm mới của dự thảo Luật BHVBQPPL, ông Trần Văn Lợi, Phó trưởng Phòng Công tác xây dựng pháp luật, Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật nhấn mạnh, “có thể nói, dự thảo Luật đã đổi mới cơ bản, toàn diện quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL”. Bên cạnh đó, ông cũng nêu nhiều điểm mới khác của dự thảo như: làm rõ hơn thẩm quyền, hình thức VBQPPL; mở rộng, phát huy dân chủ, tăng cường tính công khai, minh bạch trong xây dựng, ban hành VBQPPL; bảo đảm việc thực hiện quyền sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội; quy định rõ thứ bậc hiệu lực giữa các VBQPPL trong hệ thống VBQPPL; bổ sung một số quy định cấm trong hoạt động xây dựng, ban hành VBQPPL…

Bàn sâu về “góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp” đối với Luật BHVBQPPL, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định, “cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực từ phía Nhà nước trong việc thay đổi quy trình hoạch định chính sách theo hướng ngày càng “mở” và đối tượng chịu sự tác động có thêm nhiều cơ hội tham gia vào quy trình mà trước đây vốn chỉ là “công việc nội bộ” giữa các cơ quan với nhau” và với dự thảo Luật này, “quy trình xây dựng VBQPPL ngày càng trở nên minh bạch”. Ông cũng đề xuất nhiều ý kiến nhằm góp phần hoàn thiện Luật BHVBQPPPL. Đề xuất thứ nhất là giới hạn quyền lập pháp của Bộ bằng cách văn bản cấp bộ, ngành trở xuống không được quy định hạn chế các quyền hoặc tăng thêm các nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân so với quy định của văn bản cấp trên và các văn bản từ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên mới có thể có văn bản hướng dẫn chi tiết. Lý giải cho đề xuất của mình, ông Tuấn phân tích: Bộ, ngành về bản chất là các cơ quan hành chính, có chức năng hành pháp, quản lý hành chính, không phải cơ quan lập pháp. Nhưng vì nhiều nguyên nhân, hiện các Bộ, ngành vẫn là những đơn vị soạn thảo pháp luật chủ yếu. Bởi vậy, cần có những quy định để giới hạn quyền ban hành văn bản pháp luật của Bộ, ngành, địa phương, tránh tình trạng người dân, doanh nghiệp chờ thông tư hơn chờ luật, nghị định và tình trạng cán bộ sợ thông tư hơn sợ luật, nghị định khi mà nhiều thông tư hạn chế quyền, mở rộng nghĩa vụ của họ hơn so với luật, nghị định hoặc từ chối thực hiện thủ tục cho người dân, doanh nghiệp với lý do chưa có thông tư hướng dẫn.

Đề xuất thứ hai là cần quy định rõ ràng và thận trọng các trường hợp xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn; đưa ra danh sách các trường hợp được phép quy định hiệu lực trở về trước để tránh sự tùy tiện trong việc áp dụng nguyên tắc “hồi tố” của văn bản…

Dự thảo Luật BHVBQPPL – vai trò của Bộ Tư pháp “nặng hơn” Luật hiện hành

Phát biểu tại Hội nghị, nguyên Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho rằng, dự thảo Luật BHVBQPPL đã khẳng định và đề cao vai trò, vị trí của Bộ Tư pháp trong quy trình xây dựng VBQPPL, Bộ Tư pháp tham gia nhiều hơn, sâu hơn trong tất cả các quy trình từ chủ trì xây dựng văn bản, cho ý kiến đối với văn bản không phải do Bộ Tư pháp chủ trì, cuối cùng là thẩm định văn bản, thậm chí thẩm định cả hoạch định chính sách, còn chưa kể đến văn bản mà không phải Chính phủ trình, thì Bộ Tư pháp cũng phải chuẩn bị ý kiến. Theo nguyên Thứ trưởng, với dự thảo Luật này, vai trò của Bộ Tư pháp ngày càng “nặng hơn”.

Hoan nghênh việc dự thảo Luật BHVBQPPL đã đề cao vai trò của Bộ Tư pháp”, nguyên Thứ trưởng cũng đưa ra khuyến nghị về việc “phải nghiêm túc đánh giá tác động”, vì xây dựng pháp luật có hai yêu cầu rất lớn là đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng. Nguyên Thứ trưởng chỉ ra thói quen của việc đánh giá văn bản theo hướng “chỉ nhìn nó với nó”, văn bản cũng có mục đích tự thân là điều chỉnh và thúc đẩy sự phát triển các quan hệ xã hội, do đó phải nhìn nó với sự đối sánh các yêu cầu xã hội, “điều này thì chúng ta chưa nói đến”. Nguyên Thứ trưởng đề nghị, “trong tư tưởng xây dựng pháp luật, trong vấn đề đối diện với chất lượng văn bản, phải làm rõ là nó có vai trò gì đối với xã hội”; đồng thời nguyên Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, hệ thống pháp luật trong nhà nước pháp quyền phải minh bạch, việc công khai các văn bản chỉ là “minh bạch về hình thức, cần phải minh bạch về nội dung, tức là để mọi người dự liệu được ý định của Nhà nước và chống sự tùy tiện, độ mở của luật quá nhiều, định tính quá nhiều, định lượng rất ít, trong khi nhà nước pháp quyền yêu cầu cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, do vậy, nếu quy định mà chung chung thì không gian tùy tiện càng lớn ”.

Đề cập đến đặc điểm của Bộ Tư pháp hiện nay đang ở thời kỳ chuyển giao thế hệ, nguyên Thứ trưởng cũng cho rằng, vai trò của Bộ Tư pháp quá lớn thì khối lượng công việc sẽ rất nặng nề, do đó, cần tính đến việc đánh giá tác động và có dự báo trước cho Bộ Tư pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ mà Luật BHVBQPPL quy định.   

Hội nghị diễn ra trong một ngày với nhiều nội dung quan trọng khác như: minh bạch hóa trong hoạt động lập pháp, lập quy; vai trò của Chính phủ trong xây dựng chính sách pháp luật và xác định trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành VBQPPL…

Hoàng Vy Anh