Đoàn công tác Bộ Tư pháp làm việc tại tỉnh Tây Ninh: Vị thế lớn của tư pháp trong phát triển xã hội

30/07/2009
Đoàn công tác Bộ Tư pháp làm việc tại tỉnh Tây Ninh: Vị thế lớn của tư pháp trong phát triển xã hội
Hôm qua (29/7/2009), Đoàn công tác Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Hà Hùng Cường dẫn đầu đã có buổi làm việc với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND và các cơ quan tư pháp tỉnh Tây Ninh nhằm tìm hiểu về công tác tư pháp, cũng như công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp.

Tuyển không ai vào làm?

Trình bày với Đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết Tây Ninh gần TP.HCM nên những cử nhân luật nào đã học xong lớp luật sư thường đi làm luật sư luôn, có muốn giữ họ làm trợ giúp pháp lý cũng không thể giữ chân được. Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi trợ giúp viên đòi hỏi phải đạt điều kiện, tiêu chuẩn quy định nhưng chế độ lại thấp, đề nghị Bộ xem xét, điều chỉnh điều kiện xét tuyển.  Không riêng trợ giúp pháp lý, công tác giám định cũng có chung “số phận”. Ông Nên phản ảnh tình trạng có lúc cơ quan chức năng phải “năn nỉ’ giám định viên làm, thậm chí “ép” người ta làm. Ông Nên đề nghị nên có chế độ phù hợp với tình hình thực tế thì mới có thể tuyển dụng được người gắn bó với công việc một cách có trách nhiệm.

Đại diện lãnh đạo TAND tỉnh Tây Ninh chia sẻ, toà án cũng không phải là ngoại lệ, tuyển người đã khó, nhưng “giữ” người còn khó hơn, thực tế đã có hiện tượng cán bộ toà án “chạy” sang hành nghề luật sư - nghề được xem “thời thượng”, hái ra tiền. Trưởng THADS tỉnh cũng “than”, hiện còn 11 chỉ tiêu biên chế, đã thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng hàng năm chỉ tuyển được 2 - 3 người. Nhận vào được vài người thì lại có vài người khác rục rịch xin chuyển sang nơi khác công tác, mà nguyên nhân chỉ vì “chế độ lương, thưởng”.

Về câu chuyện khó tuyển nhân sự, ông Nguyễn Văn Luyện, Cục trưởng Cục THADS - Bộ Tư pháp cho rằng, lý do THA tỉnh nêu ra là chưa thuyết phục. Lãnh đạo THA tỉnh cần xem xét lại, bởi qua thực tế làm việc với nhiều địa phương, ông phát hiện ra rằng, nhiều nơi cứ “kêu” là không tuyển được, nhưng khi có người đến nộp đơn xin vào làm thì nhận được “cái lắc đầu”. Đồng ý kiến với ông Luyện, Bộ trưởng cho biết có nơi cơ quan THA giữ chỗ cho những người thân không nhận người ngoài mà cứ “than” là không tuyển được.

Thu hút đầu tư bằng “hành lang pháp lý”

Bộ trưởng Hà Hùng Cường ấn tượng trước sự đổi mới của tỉnh, Tây Ninh đã được “thay da, đổi thịt” khá toàn diện, nhất là về phát triển kinh tế - đó là điều đáng mừng. Có được điều này là nhờ sự vận hành nhịp nhàng của cả hệ thống chính trị ở Tây Ninh. Để hoàn thiện hơn hành lang pháp lý, thu hút các nhà đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thì Tây Ninh cần quan tâm đến công tác tư pháp nói chung và công tác luật sư nói riêng nhiều hơn nữa. Nhìn vào một địa phương có đội ngũ luật sư không phát triển thì các nhà đầu tư sẽ không tránh khỏi tâm lý ngần ngại. Đến nay, Tây Ninh đã có đề án về phát triển luật sư đến năm 2020, số lượng luật sư không phải chỉ dừng lại là trên 80 mà còn cần phải nhiều hơn nữa - Bộ trưởng yêu cầu.

Theo Bộ trưởng, lĩnh vực hộ tịch gắn chặt với quản lý kinh tế, trật tự, an ninh... Song, quản lý chung về vấn đề này ở phạm vi cả nước hiện còn nhiều bất cập. Tới đây, ngành Tư pháp sẽ quản lý cả cơ sở dữ liệu về lý lịch tư pháp của người dân, từ khi bản án tuyên có hiệu lực pháp luật thì bất kỳ tội phạm nào đều phải ghi vào hồ sơ án tích, diễn biến quá trình THA như thế nào, cả dân sự, hình sự và cho đến khi cấp cho công dân lý lịch tư pháp... Vì vậy, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức Tư pháp phải ý thức sâu sắc trách nhiệm, công việc của mình.

Bộ trưởng chỉ đạo: Sở Tư pháp cần tham mưu cho UBND tỉnh trong việc chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện chuyển giao việc chứng thực giao dịch, hợp đồng bất động sản (nhà cửa, công trình xây dựng...) sang cho công chứng. Bởi làm việc này (công chứng - PV) chính là để bảo vệ người dân, ngân hàng, các bên giao dịch, bảo đảm sự an toàn, ngăn ngừa  yếu tố bất ổn tiềm ẩn khi xảy ra tranh chấp. Nhìn chung, Luật Công chứng quy định để tách hẳn công chứng ra khỏi chứng thực, chứng thực ra khỏi công chứng. Theo đó, nơi có phòng công chứng thì tất cả các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản đều phải được công chứng. Làm tốt việc này thì sẽ giảm thiểu tranh chấp, giúp ổn định tình hình xã hội... Về tồn đọng “loại án 500 ngàn”, Bộ trưởng đề nghị Chủ tịch tỉnh quan tâm chỉ đạo tổng kết, bàn giao, rà soát và lên danh sách chuyển sang tòa án để “đặc xá” các khoản thi hành án cho ngân sách Nhà nước từ 500 ngàn đồng trở xuống (từ 01/7/2004 trở về trước).

Bộ trưởng còn yêu cầu các Sở, ban, ngành của tỉnh cần thành lập phòng, ban pháp chế, nhất là đối với các Sở quan trọng như: Tài Nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương... nếu không thì tư pháp tỉnh không thể lớn mạnh, dẫn đến thu hút đầu tư sẽ rất khó. Bà Lê Thị Bân - Bí thư Tỉnh uỷ và ông Nguyễn Văn Nên - Chủ tịch UBND tỉnh “hứa” với Bộ Tư pháp sẽ tập trung thực hiện những đề nghị của Bộ và mong nhận được từ Bộ sự quan tâm chỉ đạo sát về chuyên môn, tạo điều kiện cho ngành Tư pháp tỉnh phát triển tương xứng. Bà Bân còn cho biết, tỉnh cũng đã đồng ý cho các Sở, ban, ngành tuyển nhân sự tạo nguồn dự phòng, để sau đó có thể xét tuyển đưa vào các vị trí thiếu hụt.

Phong Trần