Hội nghị giao ban công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2009: “Thương hiệu” ngành Tư pháp đã được khẳng định

23/07/2009
Hội nghị giao ban công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2009: “Thương hiệu” ngành Tư pháp đã được khẳng định
Tại điểm cầu Hà Nội, ngay từ 7h30 sáng ngày 23/7, hội trường nơi tổ chức hội nghị tại trụ sở Tổng Công ty viễn thông quân đội Viettel đã gần như kín chỗ. Các đại biểu tham dự hội nghị vừa ổn định chỗ ngồi vừa chỉ cho nhau những gương mặt đồng nghiệp quen thuộc ở các điểm cầu khác qua 2 màn hình lớn trong hội trường. Phấn khởi là tâm trạng chung của các cán bộ ngành Tư pháp trong ngày diễn ra hội nghị...

Sau khi tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu tại điểm cầu Hà Nội, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp - ông Lê Hồng Sơn đã lần lượt chào hỏi 6 điểm cầu còn lại là Yên Bái, Quảng Bình, Khánh Hoà, Đăk Lăk, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Thay mặt từng điểm cầu, Giám đốc Sở Tư pháp của các địa phương sở tại báo cáo số lượng, thành phần đại biểu có mặt tham dự hội nghị. Có thể thấy, chất lượng đường truyền của Viettel rất tốt và ổn định nên các đại biểu tại 7 điểm cầu có thể nhìn và nghe rõ đồng nghiệp của mình như đang ở ngay cạnh, dù cách nhau cả ngàn cây số.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh, hình thức giao ban trực tuyến là hình thức hội nghị rất tiên tiến và tiết kiệm, đáp ứng đúng tinh thần thực hành tiết kiệm của Đảng và Nhà nước. Để hội nghị đạt được kết quả tốt đẹp, Bộ trưởng cũng yêu cầu các đại biểu tham dự hội nghị phải phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ tập thể để đánh giá đúng kết quả đã làm trong 6 tháng qua, từ đó tìm ra nhân tố, cách làm mới, nhận diện các khó khăn để khắc phục. Theo đề nghị của Bộ trưởng, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ cần thu xếp để có thể trả lời tối đa các đề xuất, kiến nghị của địa phương trên tinh thần thẳng thắn và cầu thị.

Trình bày tóm tắt bản Báo cáo công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2009, Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên nhận định qua 6 tháng thực hiện nhiệm vụ, nhiều mặt công tác đã có chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả cụ thể, góp phần tích cực hình thành và từng bước khẳng định "thương hiệu" của ngành Tư pháp trong đời sống xã hội, nhất là trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước về xây dựng pháp luật, thẩm định, kiểm tra VBQPPL, trợ giúp pháp lý, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Bên cạnh đó, việc triển khai một số mặt công tác gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, kết quả chưa cao như thi hành án dân sự, quản lý nhà nước trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp...

Theo đó, trong công tác quản lý Nhà nước về xây dựng và thi hành pháp luật, là năm đầu tiên thực hiện nhiệm vụ tổ chức, đôn đốc, theo dõi tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Bộ đã hoàn thành và trình Chính phủ Báo cáo số 128/BC-BTP về tình hình soạn thảo và trình các dự án luật, pháp lệnh của Chính phủ đến hết tháng 6/2009; phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổng hợp, xây dựng Báo cáo số 114/BC-CP về kiểm điểm công tác xây dựng và trình các dự án luật, pháp lệnh, trình Chính phủ (thảo luận tại phiên họp thường kỳ tháng 5/2009), qua đó đánh giá đúng thực trạng, đề xuất giải pháp khắc phục hạn chế, yếu kém để nâng cao chất lượng, đảm bảo tiến độ công tác xây dựng và trình các dự án luật, pháp lệnh trong thời gian tới. Chú trọng phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, tổng kết thực tiễn; một số dự án Luật do Bộ chủ trì soạn thảo (Luật Lý lịch tư pháp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước). Chất lượng thẩm định đề án, văn bản có chuyển biến tích cực; việc thẩm định các điều ước quốc tế nhìn chung đảm bảo đúng tiến độ theo yêu cầu của Luật Ban hành VBQPPL và Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế; ý kiến thẩm định, góp ý của tổ chức pháp chế, cơ quan Tư pháp địa phương được nhiều Bộ, ngành, HĐND, UBND đánh giá cao; nhiều tổ chức pháp chế, cơ quan Tư pháp địa phương thực sự trở thành bộ phận tham mưu, chỗ dựa đáng tin cậy cho các Bộ, ngành, HĐND, UBND trong việc xây dựng chính sách, pháp luật.

Tiếp tục tổ chức thực hiện Chỉ thị số 21/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện tốt Luật Thi hành án dân sự, Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật Thi hành án dân sự nhằm tạo chuyển biến mạnh trong công tác THADS. Kết quả thi hành án 6 tháng đầu năm 2009 tăng so với cùng kỳ 2008: tổng số việc thụ lý là 472.989 việc, bao gồm 169.745 việc thụ lý mới, 303.244 việc chuyển sang từ năm trước.

Hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực hành chính tư pháp như xây dựng Kế hoạch triển khai Luật Lý lịch tư pháp; trình Chính phủ Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam; đang hoàn thiện Đề án in, phát hành biểu mẫu hộ tịch; tích cực xây dựng dự thảo Luật Nuôi con nuôi; chuẩn bị các thủ tục pháp lý để ký và phê chuẩn Công ước Lahay về nuôi con nuôi nhằm duy trì và mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trong lĩnh vực nuôi con nuôi; hoàn thiện Đề án Tăng cường quản lý các Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam; chủ động triển khai các hoạt động nhằm tiếp tục đề xuất hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực hành chính tư pháp (triển khai đề tài khoa học cấp Bộ “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Luật Hộ tịch”; chuẩn bị tổ chức sơ kết hai năm thực hiện Nghị định 79/2007/NĐ-CP); triển khai xây dựng Đề án thành lập Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia...

Trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hoạt động bán đấu giá tài sản dần đi vào nền nếp; nhiều địa phương đã chuyển việc đấu giá quyền sử dụng đất cho các Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản của Sở Tư pháp. Trong 6 tháng đầu năm 2009, số cuộc bán đấu giá thành khoảng 1.750, số phí bán đấu giá tài sản thu được khoảng 10 tỷ đồng. Ngành Tư pháp đang tích cực hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn trong áp dụng Luật Công chứng; chỉ đạo quyết liệt việc chuyển giao thẩm quyền chứng nhận các giao dịch hợp đồng về quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân từ UBND cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng (tính đến nay đã có 24/63 địa phương thực hiện việc chuyển giao); tổng số việc công chứng là: 353.859; số thu nộp ngân sách là: 156.524.956.800 đồng. Một số địa phương quán triệt và triển khai thực hiện tốt chủ trương xã hội hoá hoạt động công chứng (Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng); sự ”tiếp nhận” xã hội hoá hoạt động công chứng trong xã hội có nhiều dấu hiệu tích cực.

Về công tác cán bộ, kiện toàn một bước về mặt tổ chức, đội ngũ cán bộ cấp vụ; sắp xếp, điều chuyển về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ phù hợp với Nghị định số 93/2008/NĐ-CP; hoàn thành việc xây dựng và điều chỉnh quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Bộ. Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc UBND cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện và công tác tư pháp của UBND cấp xã; Công văn số 60-CV/BCS gửi Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thành uỷ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đề nghị quan tâm kiện toàn, củng cố cơ quan tư pháp địa phương.

Trong lộ trình cải cách tư pháp, cải cách hành chính, ban hành và triển khai thực hiện Chương trình công tác trọng tâm công tác tư pháp năm 2009 - 2010 của Bộ Tư pháp (Quyết định số 824/QĐ-BTP ngày 20/4/2009) thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW và Chương trình trọng tâm năm 2009 - 2010 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt và đang tích cực triển khai thực hiện Đề án thí điểm thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh; triển khai xây dựng Đề án về việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để giao Bộ Tư pháp thống nhất quản lý nhà nước về thi hành án. Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, Luật Lý lịch tư pháp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự được Quốc hội khoá XII thông qua tại kỳ họp thứ 5 chứa đựng nhiều nội dung mới tiến bộ, phù hợp với tinh thần của cải cách tư pháp (bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh). Hoàn thành giai đoạn 1 Đề án đơn giản hoá thủ tục hành chính giai đoạn 2007 - 2010; Tổ công tác Đề án 30 của Bộ đã phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực rà soát các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp có liên quan đến người dân và doanh nghiệp (ủy thác tư pháp; cấp ý kiến pháp lý cho các Bộ, ngành; đào tạo các chức danh tư pháp; thực thi nhiệm vụ theo dõi chung về xây dựng và thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước...); chỉnh sửa, bổ sung, hoàn chỉnh các biểu mẫu thủ tục hành chính và cơ sở dữ liệu trong phần mềm theo hướng dẫn của Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ....

   

Ngay sau khi Thứ trưởng Hoàng Thế Liên kết thúc báo cáo, phần lớn thời lượng hội nghị dành cho phần thảo luận với sự tham gia sôi nổi của đại biểu trên cả 7 điểm cầu. Có thể thấy, những trọng tâm được hầu hết các điểm cầu đề cập tới là những vướng mắc trong công tác phát triển cán bộ tư pháp ở cơ sở, các vấn đề trong việc thực thi Luật Thi hành án dân sự… Lãnh đạo các đơn vị chuyên môn của Bộ Tư pháp đang có mặt tại điểm cầu Hà Nội, cũng như các đầu cầu khác đã lần lượt có câu trả lời, giải đáp rất rõ ràng, khúc chiết trên tinh thần thẳng thắn và hết sức cầu thị theo đúng yêu cầu đã đề ra của Bộ trưởng.  

Trong lời kết luận hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định, tuy là lần đầu tiên tổ chức bằng hình thức giao ban trực tuyến đa phương tiện, ban đầu không tránh khỏi những lúng túng, nhưng nhìn chung hội nghị đã được tổ chức thành công tốt đẹp, hiệu quả, chất lượng mà vẫn đảm bảo tiết kiệm các nguồn lực. Đây có thể coi là một bước tiến lớn trong nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Bộ Tư pháp nói riêng và ngành Tư pháp nói chung.

Xuân Hoa