Đoàn công tác Bộ Tư pháp làm việc tại tỉnh Bình Thuận: Tạo điều kiện để pháp luật vận hành trơn tru

28/07/2009
Đoàn công tác Bộ Tư pháp làm việc tại tỉnh Bình Thuận: Tạo điều kiện để pháp luật vận hành trơn tru
Ngày 27/7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cùng Đoàn công tác của Bộ Tư pháp đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các cơ quan tư pháp tỉnh Bình Thuận về công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh.

9 tháng tuyển được 3 Chấp hành viên

Trình bày với Đoàn công tác, Giám đốc Sở Tư pháp Bình Thuận Trần Văn Xê cho biết, hiện có 10 huyện, thị trong tỉnh “kêu” không có nhân sự, tuyển không ai vào; khó khăn về công tác cán bộ tư pháp xã cũng chẳng khác gì ở các tỉnh, thành khác. Cán bộ tư pháp xã thường xuyên thay đổi, cán bộ nào vừa “đủ lông, đủ cánh” thì được cân nhắc lên làm phó chủ tịch xã hoặc làm ở vị trí khác tốt hơn. Có ý kiến cho rằng, nên xem xã nào có số lượng việc lớn qua nhiều năm để phân bổ biên chế, chứ không nên dựa vào số hộ dân để phân bổ như hiện nay.

Theo Giám đốc Sở Tư pháp, hiện còn 19 biên chế không tuyển được, do ngành THA chưa có sức hút đối với xã hội, việc làm vất vả, nguy hiểm nhưng “chế độ” lại chưa tốt.

Ông Nguyễn Văn Dự, Trưởng THA Bình Thuận “than”, hàng năm THA thông báo tuyển dụng trên báo, đài địa phương nhưng không tuyển được người, ở TAND và VKSND cũng “cùng chung số phận”. Bằng nhiều kênh thông tin, tuyển dụng, 9 tháng đầu năm nay, THA chỉ tuyển được 3 chấp hành viên, vẫn thiếu 19.

Chủ tịch UBND một số huyện cũng trăn trở về THA, “khó đòi hỏi thu dụng được người tài, giỏi hiện nay vào làm”. Bên cạnh đó, ông Dự cho biết, 9 tháng đầu năm 2009, tỉnh thụ lý gần 11 nghìn việc (năm trước chuyển sang gần 7 nghìn, thụ lý mới gần 4 nghìn), trong đó số có điều kiện thi hành gần 7,2 nghìn việc; số chưa có điều kiện thi hành hơn 3,3 nghìn việc (chiếm gần 32%); số thi hành xong hơn 4 nghìn việc (đạt 56,7% án có điều kiện thi hành, tăng 401 việc so với năm 2008). Ông Dự giãi bày, án có điều kiện nhưng không thi hành được là do tài sản đang tranh chấp, nợ nần lẫn nhau, tài sản duy nhất là căn nhà, đối tượng THA đã mãn hạn tù nhưng không có gì để THA... Hơn nữa, do nhu cầu nhà ở tại nông thôn rất thấp, nên bán không dễ. Nhiều trường hợp hai bên thống nhất THA dần dần, đối tượng THA mãn hạn tù không có tài sản để THA... những nguyên nhân làm tăng lượng án tồn. Ngược lại, một vài địa phương dù có Ban Chỉ đạo THA nhưng không thực sự hoạt động với tinh thần trách nhiệm cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tồn đọng án. Mặc dù, so với 9 tháng của năm 2008, tỷ lệ THA về việc của toàn tỉnh tăng 6% (tương đương số tiền 9,3 tỷ đồng), nhưng hầu hết tỷ lệ THA chưa đạt được chỉ tiêu Bộ đề ra, thậm chí huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình còn đạt tỷ lệ thấp.

Bà Lê Thị Thanh Vân, Trưởng phòng Hộ tịch phản ánh, chuyện giấy khai sinh, hộ khẩu, CMND, các bằng cấp... không trùng nhau về ngày tháng năm sinh của người dân xảy ra khá nhiều. Do trước đây, nhiều phụ huynh khai sai tuổi khi làm giấy khai sinh để con được đi học (không phải học qua mẫu giáo) cho đến khi trưởng thành về xin “chỉnh sửa” giấy khai sinh và Sở đã xem xét giải quyết. Nhưng các cơ quan khác như Công an, các trường nơi cấp văn bằng không giải quyết với lý do, họ đã làm theo đúng khai sinh.

Theo ông Nguyễn Văn Luyện, Cục trưởng Cục THADS, Bộ Tư pháp, không thể dựa vào lượng việc để phân bổ nhân sự được. Ông Luyện lấy làm khó hiểu khi Bình Thuận gặp khó trong việc tuyển chấp hành viên (thiếu đến 19 biên chế). Trong khi, Bình Thuận là địa phương khá thuận lợi về vị trí địa lý, giao thông; các địa phương khác chẳng hơn gì Bình Thuận nhưng tuyển đủ, dư nữa là khác. Ông Luyện cho rằng công tác phối hợp giữa Sở Tư pháp và cơ quan THADS không tốt cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu biên chế, không tuyển được.

Bức xúc chuyện luật sư

Quan tâm đến chuyện luật sư, ông Võ Duy Quang, Chánh án TAND tỉnh bức xúc, đội ngũ luật sư  của Bình Thuận hiện có 18 văn phòng (27 luật sư) nhưng không ít luật sư thiếu về phẩm chất, đạo đức, có quan điểm sai lệch khi tham gia bào chữa, thậm chí xúc phạm người tiến hành tố tụng. “Tôi chưa thấy luật sư nào dám đề nghị “truy tố công tố viên VKSNDnhư một luật sư ở Bình Thuận đã làm”. Ông Huỳnh Tấn Thành – Chủ tịch UBND tỉnh góp lời: “Luật sư trong tỉnh yếu lắm (trình độ chuyên môn, đạo đức - PV), nhưng lại rất “ngông”, như  trường hợp: Ông VKS kiện ông luật sư, rồi ông luật sư kiện lại ông VKS... mấy tháng nay vẫn chưa đâu vào đâu!”.

Nói về công tác tư pháp trên địa bàn, ông Thành cho rằng, vai trò tư pháp hiện còn chậm, thụ động chưa thực sự giúp chính quyền thực hiện vai trò là cơ quan “tham mưu đặc biệt”của mình.  Ông Thành đề nghị Bộ Tư pháp kiến nghị Quốc hội, Chính phủ “cải tiến” chế độ, chính sách đối với lực lượng THADS. Tương tự, ông Lê Tiến Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy có chung nhận xét chất lượng tham mưu của Sở cho chính quyền tỉnh còn hạn chế, mới chỉ dừng lại ở vai trò chuyên môn, chưa thật sự trở thành người “gác cửa” văn bản.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Hà Hùng Cường đánh giá kết quả THA của tỉnh là “sụt giảm” cả về tiền và việc. Sở Tư pháp và THA phải chung sức, chung lòng với tỉnh, bởi sự quan tâm của tỉnh đã thể hiện rõ thông qua sự sắp xếp công tác cán bộ từ Sở đến xã. Nếu tư pháp không mạnh, làm việc thiếu trách nhiệm, không có nền tảng vững chắc... thì không thể hoàn thành nhiệm vụ được. Nghe Trưởng phòng Hộ tịch báo cáo công tác hộ tịch của tỉnh “tương đối ổn”, nhưng thực tế còn nhiều việc phải làm. Bộ trưởng đồng tình với phản ảnh của ông Chủ tịch tỉnh là so với nhu cầu phát triển thì công tác tham mưu của Sở Tư pháp và THA là chậm, chưa đi sâu vào đời sống xã hội. Vì vậy, Bộ trưởng chỉ đạo Sở tiếp tục tham mưu cho tỉnh về quản lý Nhà nước trên địa bàn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế chứ không phải “cản trở” phát triển kinh tế; Tạo điều kiện để pháp luật từ Trung ương đến tận cấp xã được vận hành “trơn tru”. Hiện cấp xã còn trì trệ, kể cả chuyện cải chính khai sinh, các ngành cũng không thống nhất điều chỉnh cho các cháu học sinh. Theo đó, Sở Tư pháp cần bàn ngay với ngành giáo dục, đồng thời tham mưu tỉnh ban hành văn bản giải quyết “vấn đề vướng” cho dân. Bộ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh tạo mọi điều kiện, hướng dẫn, chỉ đạo để công tác chuyển giao giữa Sở Tư pháp và THA được tốt đẹp. Những kiến nghị về công tác phối hợp của Đoàn công tác đã được lãnh đạo tỉnh tiếp thu và đồng tình ủng hộ.

Phong Trần