Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan Nhà nước

03/04/2009
Phấn đấu đến năm 2015, cung cấp hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tuyến mức độ 3 hoặc 4, người dân và doanh nghiệp có thể trao đổi thông tin, gửi, nhận hồ sơ, thanh toán phí dịch vụ, nhận kết quả dịch vụ qua mạng.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt  Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2009-2010. Theo đó, xây dựng môi trường làm việc điện tử giữa các cơ quan nhà nước trên phạm vi toàn quốc, tạo thói quen làm việc của cán bộ, công chức trên môi trường mạng và hệ thống thông tin trợ giúp, thay thế văn bản giấy.

Đối với việc nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước, mục tiêu đầu tiên là hướng tới xây dựng các cơ quan điện tử. Đến hết năm 2010, bảo đảm trung bình là 60% các thông tin chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo cấp Bộ, cấp tỉnh được đưa lên cổng thông tin điện tử (CTTĐT) hoặc trang thông tin điện tử.

Nâng tỷ lệ trung bình cán bộ, công chức tại các Bộ, UBND thành phố trực thuộc Trung ương sử dụng thư điện tử cho công việc lên 80%; UBND cấp tỉnh là  60%, trong đó các tỉnh miền núi là 30%. Đồng thời, giảm thiểu việc sử dụng giấy tờ nhằm khuyến khích cán bộ, công chức khai thác thông tin trên mạng phục vụ công tác.

Tăng dần và khuyến khích sử dụng các hình thức truyền thông cơ bản như thư điện tử, điện thoại, hội nghị, họp truyền hình trực tuyến và đưa thông tin lên các CTTĐT để trao đổi thông tin ở khoảng cách xa.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ người dân và doanh nghiệp, đến năm 2010 bảo đảm 100%  các cơ quan cấp Bộ, các UBND cấp tỉnh có CTTĐT và 80% các trang này cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, bảo đảm các cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các Bộ, các tỉnh và các cuộc họp của các Bộ với các cơ quan trực thuộc đều có thể thực hiện từ xa.

Trong giai đoạn 2009-2010, ưu tiên triển khai các nhóm dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, gồm: cấp giấy đăng ký kinh doanh; cấp giấy phép đầu tư; giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện; giấy phép xây dựng; chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng; chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất; giấy đăng ký ô tô, xe máy; đăng ký tạm vắng, tạm trú; giải quyết khiếu nại, tố cáo; giấy đăng ký hành nghề y dược và cấp giấy phép hoặc dịch vụ đặc thù.

Kế hoạch cũng đề ra biện pháp từng bước xây dựng nền tảng phục vụ Chính phủ điện tử như hoàn thành việc xây dựng Mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước; xây dựng và nâng cấp các mạng LAN và mạng diện rộng của các cơ quan nhà nước và tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và lựa chọn mô hình ứng dụng công nghệ thông tin điển hình cấp huyện để phổ biến rộng rãi.

Mô hình 4 mức độ phát triển của các dịch vụ hành chính công trực tuyến được áp dụng đối với Chính phủ điện tử tại Việt Nam, bao gồm:

Mức độ 1: CTTĐT có đầy đủ thông tin về quy trình thủ tục thực hiện dịch vụ, các giấy tờ cần thiết, các bước tiến hành, thời gian thực hiện, chi phí thực hiện dịch vụ.

Mức độ 2: Ngoài thông tin đầy đủ như mức độ 1, CTTĐT cho phép người sử dụng tải về các mẫu đơn, hồ sơ để người sử dụng có thể in ra giấy, hoặc điền vào các mẫu đơn.

Mức độ 3: Ngoài thông tin đầy đủ như ở mức độ 1 và các mẫu đơn, hồ sơ cho phép tải về như ở mức độ 2, CTTĐT cho phép người sử dụng điền trực tuyến vào các mẫu đơn, hồ sơ và gửi lại trực tuyến các mẫu đơn, hồ sơ sau khi điền xong tới cơ quan và người thụ lý hồ sơ. Các giao dịch trong quá trình thụ lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện qua mạng.

Mức độ 4: Ngoài thông tin đầy đủ như ở mức độ 1, các mẫu đơn, hồ sơ cho phép tải về như ở mức độ 2, gửi trực tuyến hồ sơ và thực hiện các giao dịch qua mạng như ở mức độ 3, việc thanh toán chi phí sẽ được thực hiện trực tuyến, việc trả kết quả có thể thực hiện trực tuyến hoặc gửi qua đường bưu điện.

Theo Cổng TTĐT  Chính phủ