Đoàn công tác Bộ Tư pháp làm việc tại Vĩnh Long: Tăng cường công tác tham mưu, đề xuất cho chính quyền tỉnh

18/03/2009
Hôm nay (ngày 18/3/2009), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ Tư pháp bắt đầu chuyến thăm và làm việc với các cơ quan tư pháp cũng như với lãnh đạo các tỉnh, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang nhằm nắm bắt rõ tình hình và kết quả triển khai công tác tư pháp, THADS, những tồn tại, yếu kém, khó khăn, vướng mắc mà công tác tư pháp, THADS tỉnh gặp phải.

Vĩnh Long là điểm dừng chân đầu tiên của đoàn, với buổi làm việc với Sở Tư pháp và Thi hành án dân sự tỉnh. Dịp này, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp cũng trao quyết định bổ nhiệm chấp hành viên và quyết định bổ nhiệm Phó Trưởng thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Long cho bà Nguyễn Thị Thuỳ Nhiên, nguyên kiểm sát viên VKSND tỉnh Vĩnh Long.

  • Chứng tỏ vai trò của thi hành án trong giai đoạn mới

Trình bày với Đoàn công tác, ông Nguyễn Hoà Bình, Giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Long đưa ra 11 kiến nghị với Đoàn: như tăng thêm biên chế, xây dựng trụ sở, kho vật chứng, chế độ đối với nhân sự mới vào làm tại cơ quan thi hành án; Việc ghi chú ly hôn theo Nghị định 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ không bắt buộc phải ghi chú bản án, quyết định ly hôn, nuôi con nuôi. Bộ nên cho ý kiến việc ly hôn đơn phương trước đây, nay đương sự xin đăng ký kết hôn thì có cho đăng ký kết hôn không; Đề nghị Bộ sớm có ý kiến chỉ đạo thống nhất trong phạm vi cả nước về việc giao phần công chứng hợp đồng, giao dịch cho phòng công chứng và văn phòng công chứng...

Nhìn chung, đề nghị và các ý kiến của Sở Tư pháp và Thi hành án dân sự thì nhiều, nhưng quá chung chung, chưa đi vào cụ thể. Ông Nguyễn Văn Luyện, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp giải thích một số liên quan đến công tác thi hành án đến địa bàn tỉnh. Đồng thời nhìn nhận thiếu sót đối với việc chậm trả lời hướng dẫn của một vài địa phương và khẳng định, trong thời gian sớm nhất, công tác nhân sự của thi hành án dân sự tỉnh sẽ được kiện toàn. Điều mà Cục trưởng nhấn mạnh, sắp tới Thi hành án dân sự không còn sự “bảo trợ” của Sơ Tư pháp mà phải đứng độc lập – thể hiện mình là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh trong việc quản lý công tác thi hành án dân sự trên địa bàn. Cục trưởng kêu gọi tất cá cán bộ, công chức thi hành án tỉnh tự học tập, rèn luyện để tiến bộ và chứng tỏ vai trò trước nhân dân, lãnh đạo tỉnh và các ban, ngành trong tỉnh.

Cục trưởng Luyện cho biết, với Luật Thi hành án dân sự thời gian bổ nhiệm chấp hành viên không còn 5 năm nữa mà là “suốt đời”. Theo đó, sẽ có đợt rà soát lại lực lượng cán bộ, công chức thi hành án, và thông qua các kỳ thi nghiêm ngặt đối với chấp hành viên mới. Chính vì vậy, sắp tới, mỗi chấp hành viên phải tự đánh giá thực lực bản thân mình, kế đó Cục sẽ có thêm nhận xét, đánh giá cụ thể từng chấp hành viên.

  • 5 tháng chưa tham mưu, soạn thảo một văn bản

Bộ trưởng Hà Hùng Cường bày tỏ vui mừng trước thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền Vĩnh Long đạt được, nhất là về kinh tế, Vĩnh Long đã đạt tăng GDP trong năm 2008 là 13%. Điều đáng nói là Vĩnh Long không có huyện, xã nghèo, dù là tỉnh thuần nông. Trong khi cả nước có đến 61 huyện nghèo mà Đảng, Nhà nước đang tập trung giải quyết. Bộ trưởng cho biết, hiện nhiệm vụ của ngành tư pháp rất nặng nề như công tác xây dựng, triển khai và kiểm tra văn bản pháp luật, nhất là các luật mới.

“Tôi đã nghe các đồng chí nói về những thành tích trong công tác tư pháp năm 2008 và những tháng đầu năm 2009 đạt được là khá đầy đủ. Đặc biệt là trong Báo cáo bổ sung về công tác tư pháp Vĩnh Long những tháng đầu năm 2009. Như thế là công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL có chuyển biến so với những năm trước, nhưng chưa thật sự đầy đủ. Công tác THADS, kết quả thi hành án cả về việc và về tiền về cơ bản hoàn thành chỉ tiêu do Bộ đề ra (đạt 67,07 % về việc và 54,35% về tiền) và tăng so với năm 2007 (tăng 2,2% về việc và 28,82% về tiền)” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường phát biểu.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý của Vĩnh Long tiếp tục được thực hiện khá hiệu quả với nhiều hình thức phong phú, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, công chức và người dân trên địa bàn tỉnh...

            Đặc biệt, phải nói đến công tác phối hợp giữa Sở Tư pháp với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND, các cơ quan Tư pháp địa phương trong công tác xây dựng, thẩm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL còn chưa được tốt, dẫn đến tiến độ xây dựng, kiểm tra, rà soát VBQPPL còn chậm, chất lượng và hiệu quả chưa cao; một số mặt của công tác này chưa thực sự đi vào nề nếp. Cụ thể, trong khoảng 5 tháng qua Sở Tư pháp chưa tham mưu, soạn thảo một văn bản nào cho chính quyền tỉnh. Chứng tỏ, công tác tham mưu cho HĐND, UBND và các sở, ban ngành của tỉnh về lĩnh vực pháp luật còn thụ động, hiệu quả chưa cao. Chưa hết, Sở Tư pháp Vĩnh Long chưa tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định chuyển việc công chứng các hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất sang cho các Phòng, Văn phòng công chứng, dẫn đến vừa quá tải công việc cho cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã, vừa thiếu việc làm cho các cơ quan công chứng. Công tác hướng dẫn nghiệp vụ cho các cơ quan tư pháp cấp huyện, cấp xã cũng còn chưa thường xuyên, liên tục – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Phong Trần