Đoàn công tác Bộ Tư pháp làm việc với Sở Tư pháp Bến Tre: Bộ máy ngành tư pháp đã, đang và phát triển ổn định

20/03/2009
Đoàn công tác Bộ Tư pháp làm việc với Sở Tư pháp Bến Tre: Bộ máy ngành tư pháp đã, đang và phát triển ổn định
Ở Bến Tre có quy định khác với trung ương. Văn bản trung ương quy định xã phường có từ 10 ngàn dân trở lên thì được hai cán bộ tư pháp, trong khi Bến Tre lại quy định 16 ngàn dân mới được. Về mặt pháp chế XHCN thì quả là có “vấn đề”. Bộ trưởng sẽ yêu cầu Cục Kiểm tra văn bản kiểm tra và cho ý kiến về vấn đề này.

·        Địa phương không tồn “án 500 ngàn”

Ông Trần Lương Phổ, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre cho biết, về công tác tổ chức xây dựng ngành ở khối tư pháp và THADS, Sở tạo điều kiện để cán bộ, công chức học cao học luật. Dù ưu tiên phục vụ trong ngành tư pháp nhưng nếu UBND và Tỉnh ủy có nhu cầu thì Sở cũng sẵn sàng đáp ứng. Đáng mừng là công tác THADS năm 2008, đạt và vượt ở cả 3 chỉ tiêu Bộ giao. Làm được như thế, nhờ Sở nhanh chống tăng cường lực lượng cho những nơi án đọng nhiều...

Theo ông Phạm Hoài Thuận, Trưởng THADS tỉnh Bến Tre, những tháng đầu năm 2009, do Tòa án Tối cao tăng thẩm phán nên lượng án cũng tăng theo, THADS tỉnh phải điều cán bộ tỉnh xuống giải quyết ngay những huyện án tăng mạnh. Ông Trịnh Minh Chấn, Trưởng phòng Tư pháp thị xã Bến Tre nêu ý kiến,  hiện có một quy định nghịch lý là xã nào có trên 16 ngàn dân thì được hai cán bộ tư pháp. Thử hỏi có bao nhiêu xã có số dân này, trong khi cán bộ tư pháp gánh trên vai 10 đầu việc, gắn thêm cơ chế làm việc một cửa. Khi THA, công an đến “lôi” đi thì ai ở cơ quan làm công việc “một cửa” nên công việc tư pháp “vi phạm” thời gian đối với người dân. Có ý kiến cho rằng, đối với những hộ vay tiền làm ăn mà không có điều kiện trả nợ làm cho công tác THA gặp nhiều khó khăn. Cạnh đó, ý kiến về cán bộ tư pháp xã, khó khăn trong THA do vướng quy định về hạn mức tối thiểu cũng được đặt ra...

Ông Trần Văn Quảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp cho biết, theo quy định, mỗi xã phường chỉ một chức danh tư pháp hộ tịch, trong quá trình xây dựng thông tư mới vừa qua Bộ cũng đã hướng dẫn và giao trách nhiệm này cho Chủ tịch UBND tỉnh. Bởi theo quy định của pháp luật, đối với những nơi có nhiều công việc thì chủ tịch UBND có trách nhiệm bố trí đủ cán bộ để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Và Bộ Nội vụ cũng đã “hứa”, khi nghị định về vấn đề này sửa xong và hướng dẫn thi hành thì lúc đó chắc chắn các xã phường từ 10 nghìn dân trở lên sẽ có thêm một biên chế cán bộ hộ tịch.

Ông Nguyễn Văn Luyện, Cục trưởng Cục THADS, Bộ Tư pháp giải thích về khó khăn trong việc thực hiện kê biên đất nông nghiệp theo hạn mức. Theo ông Luyện, quy định của pháp luật khi kê biên (nếu đất nông nghiệp) phải để lại một hạn mức tối thiểu, nhưng hạn mức tối thiểu đó lại không quy định là bao nhiêu diện tích, mà chỉ ghi “đủ để những người trong hộ gia đình làm ăn, sinh sống trong thời gian sáu tháng - gây khó khăn cho chấp hành viên. Từ quy định này, nảy sinh vấn đề, đối với người phải THA có đất ít, sau khi trừ diện tích hạn mức đó ra thì không còn gì để kê biên – đây cũng là nguyên nhân tồn đọng án. Nhưng hủy bỏ quy định này thì không thể, bởi đây là quy định của pháp luật. Theo ông Luyện, Cục sẽ suy nghĩ, đề xuất để có thể thay đổi. Về vấn đề dân nghèo vay vốn ngân hàng làm ăn thua lỗ, không hoàn được vốn, cũng là một vấn đề lớn. Cục trưởng yêu cầu địa phương cần có báo cáo tổng hợp nêu rõ, có bao nhiêu hộ vay không trả được; Số tiền vay là bao nhiêu và vay ở những ngần hàng nào; hiện khả năng trả nợ của những hộ vay đó thời gian hết hạn trả nợ là bao lâu; khả năng trả nợ của họ là bao nhiêu %... để Cục báo cáo với lãnh đạo Bộ bàn biện pháp giải quyết.

·        Địa phương quy định “trái” trung ương

Thay mặt Đoàn công tác Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường hoan nghênh kết quả công tác THADS và những sáng tạo mà công tác THADS đã làm. Trong khi cả nước còn khoảng 100 ngàn án dưới 500 ngàn tồn đọng. Ngược lại Bến Tre hầu như không còn, cho thấy sự phấn đấu của THA. Theo Bộ trưởng, án tồn đọng, tuy số tiền rất nhỏ, nhưng số án lại rất lớn và cứ phải thống kê, đưa vào sổ sách bằng thủ công mất nhiều công sức. Cạnh đó, Sở Tư pháp cũng đã thể hiện được vai trò người “gác cổng” về công tác văn bản.

Bộ trưởng khẳng định, cùng với tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, hội nhập kinh tế quốc tế thì chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy của ngành tư pháp đã đang và phát triển ổn định. Bộ trưởng dẫn chứng, kết luận của Thủ tướng tại Hội nghị Tổng kết công tác tư pháp nêu rõ, Sở Tư pháp chủ động kiểm tra việc bố trí cán bộ tư pháp ở cơ sở để có kiến nghị với HĐND và UBND nhằm tăng cường, bổ sung biên chế cán bộ tư pháp cho cơ sở.

Về công chứng, chứng thực, Bộ trưởng khẳng định theo tinh thần của Luật Công chứng thì tách hẳn công chứng ra khỏi chứng thực, chứng thực ra khỏi công chứng. Thế nhưng, Sở Tư pháp Bến Tre vẫn chưa tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản với nội dung, “tại thị xã Bến Tre – nơi có phòng công chứng thì tất cả các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản đều phải được công chứng. Nói thế không phải là giành quyền công chứng, làm khó cho người dân, mà nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho người dân, doanh nghiệp, ngân hàng, các hoạt động về kinh tế của tỉnh. Nếu làm tốt việc này thì tranh chấp sẽ giảm thiểu, ổn định hơn tình hình xã hội...