Đoàn công tác Bộ Tư pháp kết thúc chuyến làm việc ở Tiền Giang: Sự đồng tình, ủng hộ của lãnh đạo các tỉnh đối với tư pháp

23/03/2009
Đoàn công tác Bộ Tư pháp kết thúc chuyến làm việc ở Tiền Giang: Sự đồng tình, ủng hộ của lãnh đạo các tỉnh đối với tư pháp
Chuyến công tác tại TP.HCM và các tỉnh miền Tây của Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Hà Hùng Cường vừa kết thúc tại Tiền Giang – địa phương được Bộ trưởng đánh giá có truyền thống khá về công tác tư pháp; Sở Tư pháp với lực lượng khá “hùng hậu”, 7 thạc sỹ luật, 2 đang theo học thạc sỹ, 39 cử nhân luật và 15 cử nhân, trung cấp khác.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Công tác tư pháp và THADS tỉnh, huyện đã và vẫn phát huy tiếp truyền thống tốt đẹp của mình, cụ thể bám sát nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của ngành và của chính quyền tỉnh. Đặc biệt, mới đây Tiền Giang tổ chức “Ngày thực hiện pháp luật” - rất sáng tạo cho người dân hưởng ứng thực hiện, cần phát huy hơn nữa – Bộ trưởng nhấn mạnh.

  • Làm tốt công tác tham mưu

Ông Nguyễn Hữu Chí, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, ngành tư pháp đã làm tốt vai trò tham mưu trong việc bàn hành “Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm của tỉnh”, đặc biệt là công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND tỉnh. Sở còn kịp thời phát hiện những sai sót về nội dung, hình thức, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản, nhất là cấp xã. Về phổ biến, giáo dục pháp luật, ông Chí nói, tỉnh giao cho Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật, cụ thể phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng nhằm chỉ đạo, thực hiện. Chưa hết, Sở Tư pháp còn mạnh dạn kiến nghị với tỉnh, “cứ mở ra (kêu gọi đầu tư - PV), Sở sẽ thẩm định tất cả văn bản, dự án đầu tư để lãnh đạo tỉnh có thể an tâm làm việc mà không sợ “vướng” về vấn đề pháp lý”...

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang trình bày với Đoàn, bên cạnh những thuận lợi, Tiền Giang có lượng công việc lớn nhưng tuyển nhân sự khó, biên chế tổ chức của ngành chưa tương xứng với nhiệm vụ, đặc biệt là cấp xã. Đó là chưa nói tình trạng cán bộ bỏ việc ra ngoài làm hoặc thậm chí không nhận nhiệm vụ khi tuyển dụng để chuyển đi công tác nơi khác... Việc này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói ngay, Tiền Giang phải cố gắng, bởi không riêng ở Tiền Giang mà nhiều tỉnh cũng có khó khăn chung như thế này, có nhiều nơi tuyển đủ và làm tương đối tốt. Do vậy, vấn đề trước mắt là Tiền Giang phải tiền hành tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật... để công việc được tốt.

Nói về công tác thi hành án (THA), Nguyễn Văn Quyết, trưởng THADS tỉnh Tiền Giang cho biết, quan tâm của Lãnh đạo Bộ và UBND các cấp đến nay các cơ quan THADS trong toàn tỉnh đều có đất và xây dựng xong trụ sở, chỉ còn THADS huyện Tân Phú Đông mới thành lập đang có quy hoạch cấp đất để xây dựng. Theo ông Quyết, chỉ tiêu biên chế được Bộ duyệt cho THADS tỉnh còn thiếu 15 biến chế nhưng rất khó thu hút đủ, do tiêu chuẩn phải là đại học Luật, trong khi những người này lại có tâm lý làm THA khó khăn, phức tạp so với các ngành khác. Hiện hầu hết số công chức dự kiến đề nghị bổ nhiệm đều thiếu chứng chỉ tốt nghiệp quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên nên không bổ nhiệm được.

  • Tư pháp ngày càng quan trọng và nặng nề hơn

Ông Nguyễn Văn Luyện, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp: Tiền Giang - là 1 trong 10 tỉnh có số việc THA nhiều và phức tạp, thậm chí không kém TP.HCM. Về nhân sự, ông Luyện nói, địa phương nên tự tìm nguồn bằng nhiều hình thức khác nhau, chứ riêng Cục không thể quyết định thêm biên chế cho THADS các tỉnh được. Bởi việc nhân sự Bộ Nội vụ mới “quyết” được. Do vậy, không riêng gì Cục, mà THADS các tỉnh phải tìm biện pháp để tạo nguồn, đào tạo, bồ dưỡng. Chẳng hạn, thiếu nhân sự ở lĩnh vực nào thì đào tạo ngay “nguồn” đó, Về “xóa” án tồn đọng “500 ngàn”, ông Luyện yêu cầu cơ quan THADS phối hợp với VKSND các cấp để thực hiện công việc này, không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách để làm không đúng. Ông Luyện chỉ đạo, THA là công tác phức tạp, làm phải đúng pháp luật và chính sách. Cạnh đó, để thực hiện tốt Luật THADS, THADS tỉnh cần rà soát lại tất cả lực lượng để xem cán bộ, công chức có đủ tầm khi lãnh nhận nhiệm vụ mới hay không báo cáo Bộ.  

Cùng với cải cách hành chính, hiện Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp là cơ quan giúp cho Chính phủ, UBND các cấp ở trình độ cao hơn rất nhiều. Do vậy, Bộ trưởng đề nghị, về công tác chuyên môn: Sở tiếp tục quan tâm cán bộ làm công tác văn bản ở từ tỉnh đến xã (tư pháp được giao nhiệm vụ kiểm tra trước, sau khi thực thi pháp luật). Thêm nhiệm vụ mới cho ngành tư pháp là quản lý công tác thi hành pháp luật không những trên toàn quốc mà từng địa phương. Đối với hoạt động công chứng, Bộ trưởng chỉ đạo, những nơi đã có phòng công chứng thì UBND phải dừng ngay không thực hiện chứng thực các giao dịch về bất động sản nữa, bởi công chứng là chứng nội dung, còn chứng thực chỉ là hình thức, cán bộ tư pháp không thể lẫn lộn “khái niệm” này được. Về công tác văn bản, là vấn đề rất lớn nhưng đội ngũ cán bộ lại nhỏ, đề nghị tăng cường hơn nữa để có thể làm tốt công tác này. 10 ngàn dân thì được 2 cán bộ tư pháp.

Bộ trưởng đề nghị UBND tỉnh tạo điều kiện để công tác cán bộ của THA được tốt hơn, không chỉ trước mắt và phải về lâu dài. Có như thế thì cán bộ, công chức cơ quan này mới có thể xứng tầm sau khi Luật THADS có hiệu lực thi hành. Sau khi tách THA khỏi Sở Tư pháp mà THA yếu đi, không quán xuyến công việc là không thể chấp nhận được.

Chủ tịch Nguyễn Hữu Chí, “về vấn đề phối hợp mà Bộ trưởng yêu cầu, “xin” Bộ trưởng và các thành viên trong đoàn yên tâm”... Điều đáng mừng, là tất cả những kiến nghị của Đoàn công tác Bộ Tư pháp không chỉ riêng Tiền Giang mà các tỉnh khác cũng đồng tình ủng hộ và “hứa” tạo mọi điều kiện tốt nhất để ngành tư pháp trên địa bàn xứng tầm và hoạt động hiệu quả, âu đó cũng là giúp địa phương, bởi tư pháp là lĩnh vực quan trọng.

Phong Trần