Bộ trưởng Hà Hùng Cường làm việc tại Nam Định: Làm rõ hơn vai trò của tư pháp

15/10/2008
Bộ trưởng Hà Hùng Cường làm việc tại Nam Định: Làm rõ hơn vai trò của tư pháp
Tiếp tục chuyến công tác tại một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, trong 2 ngày (14-15/10), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và đoàn công tác đã làm việc với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND và cán bộ, công chức ngành Tư pháp tỉnh Nam Định về công tác Tư pháp và THADS của tỉnh.

Cơ bản hoàn thành kế hoạch…

Thực hiện các kế hoạch của ngành và địa phương, đến nay, về cơ bản, ngành Tư pháp Nam Định đã hoàn thành kế hoạch công tác năm 2008. Phó Giám đốc Sở Tư pháp Trần Hứa Thanh khẳng định, kết quả công tác tư pháp năm 2008 trên từng lĩnh vực đã có chuyển biến tích cực như công tác xây dựng văn bản QPPL, PBGDPL, TGPL…, góp phần nâng cao năng lực điều hành của chính quyền, nhận thức và ý thức chấp hành pháp của người dân.

Hoạt động kiểm tra, rà soát VBQPPL được Sở duy trì nề nếp, đảm bảo kiểm tra 100% văn bản QPPL do HĐND, UBND 10 huyện ban hành, phối hợp văn phòng rà soát, tự kiểm tra các văn bản của UBND tỉnh để kiến nghị xử lý kịp thời những sai sót. Nhờ đó, hạn chế được tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống văn bản của địa phương, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản. Kết quả hoạt động rà soát, kiểm tra văn bản của Sở cũng đã được UBND đánh giá cao, có chất lượng hơn nhiều năm trước.

Với việc triển khai thực hiện các văn bản mới trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp và hành chính tư pháp như Luật Luật sư, Luật Công chứng, Nghị định 79 về cấp bản sao từ các chứng từ, giấy tờ gốc, các thông tư hướng dẫn của Bộ Tư pháp…, các hoạt động chứng thực, công chứng, quốc tịch, lý lịch tư pháp tại Nam Định được tăng cường theo hướng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, củng cố đội ngũ cán bộ tư pháp (CBTP) ở cơ sở và giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi công việc.

Cũng như Thái Bình, công tác THADS Nam Định đã vượt được các chỉ tiêu cơ bản do Bộ Tư pháp đề ra. Cụ thể, tính đến tháng 9/2008, tỷ lệ thi hành xong hoàn toàn về việc đạt 86% (vượt 11%), về tiền đạt 83% (vượt 28%) và giảm được 16,34% án tồn đọng (so với chỉ tiêu 10-15%). Đây là một cố gắng rất lớn của các cơ quan THADS Nam Định trong điều kiện 55% án phải thi hành là án hình sự, chủ yếu là các tội phạm về ma tuý và trộm cắp nên các đối tượng phải THA phần lớn là người nghiện ma tuý, không có tài sản để THA.

Trong các mặt công tác của ngành tư pháp Nam Định, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Minh Oanh đặc biệt đánh giá cao những kết quả nổi bật của công tác PBGDPL do Sở Tư pháp thực hiện, thông qua các hội thi tìm hiểu pháp luật, các buổi sinh hoạt văn hoá, hoà giải cơ sở, kết hợp giữa giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức thông qua thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”… Theo ông Oanh, công tác PBGDPL rất quan trọng đối với địa phương vì các VBPL được ban hành nhiều, thay đổi liên tục nhưng nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân vẫn hạn chế, năng lực quản lý, điều hành bằng pháp luật của một bộ phận cán bộ công quyền còn kém, dẫn đến những phản ứng tiêu cực từ người dân.

Bức tranh chưa hoàn chỉnh

Dù công tác tư pháp và THADS của Nam Định được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đánh giá rất cao nhưng ngành Tư pháp Nam Định vẫn đang vướng vấn đề cán bộ. Ông Trần Hứa Thanh cho biết, tỉnh còn thiếu rất nhiều CBTP cả ở cấp huyện và xã. Thực tế ở Nam Định, mỗi huyện mới chỉ có 3-5 CBTP nhưng phải quản lý hoạt động tư pháp của 229 xã, còn CBTP xã vẫn đang phải kiêm nhiệm chức danh phó công an xã. Hơn nữa, 30% CBTP cấp xã và 20% CBTP cấp huyện chưa có trình độ luật nên CBTP chưa thể đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Vì thế, Bộ trưởng Hà Hùng Cường lưu ý Sở Tư pháp Nam Định cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề CBTP với lộ trình cụ thể để đảm bảo hiệu quả của hoạt động tư pháp ở cơ sở. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị với Tỉnh uỷ Nam Định tạo điều kiện để ngành tư pháp có thêm biên chế, cơ chế đào tạo nâng cao trình độ cho CBTP. Trước đề nghị này, Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định Chu Văn Đạt khẳng định, tỉnh đã có chủ trương tiếp nhận các cử nhân có nhu cầu và đủ tiêu chuẩn về công tác tại các đơn vị cấp huyện, xã, trong đó có CBTP. Nhưng điều quan trọng là ngành tư pháp phải thu hút được người. Ông Đạt cũng nhấn mạnh, ngành tư pháp có đảm bảo chất lượng đầu vào thì mới xây dựng được đội ngũ cán bộ mạnh, có năng lực, đáp ứng yêu cầu công việc.

Đề cập đến vụ con nuôi tại Trung tâm Bảo trợ xã hội huyện Ý Yên và Trực Ninh, Bộ trưởng cho rằng, đây là vấn đề nhạy cảm, có ảnh hưởng đến nhiều vấn đề xã hội nên trong khi chờ phán quyết của Toà án, Sở phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm xã hội về hoạt động cho nhận con nuôi quốc tế. Đồng thời, chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động cho nhận con nuôi quốc tế tại địa phương, tạo cơ hội cho các cháu kém may mắn có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đặc biệt, Bộ trưởng bày tỏ sự nhất trí với những phương hướng công tác của ngành Tư pháp Nam Định trong thời gian tới và lưu ý cán bộ ngành tư pháp phải tiếp tục phấn đấu, sẵn sàng thực hiện tốt các nhiệm vụ mới. Đồng thời phải nỗ lực để làm rõ hơn vai trò, vị trí của ngành tư pháp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.

Hương Giang