Bộ trưởng Hà Hùng Cường làm việc tại Thái Bình: Công tác cán bộ là quyết định

14/10/2008
Bộ trưởng Hà Hùng Cường làm việc tại Thái Bình: Công tác cán bộ là quyết định
Tiếp tục chuyến công tác tại 3 tỉnh vùng châu thổ sông Hồng, hôm nay (14/10), Bộ trưởng Hà Hùng Cường và đoàn công tác của Bộ Tư pháp đã làm việc với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Thái Bình về phát triển công tác tư pháp tại địa phương.

Đoàn kết tốt, hiệu quả cao

Trong những năm qua, Ngành Tư pháp Thái Bình luôn được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh xếp vào diện “Đơn vị thi đua xuất sắc”, liên tục 10 năm liền được Bộ trưởng Bộ Tư pháp và UBND tỉnh cấp bằng khen, nhiều năm không có tình trạng khiếu nại tố cáo, không có cán bộ tư pháp hay THA nào bị kỷ luật. Đó là kết quả của việc thực hiện tốt và có hiệu quả các nội dung của công tác tư pháp ở 3 cấp chính quyền của tỉnh.

Sở Tư pháp tỉnh đã coi việc chỉ đạo tham gia xây dựng, kiểm tra, rà soát VBQPPL, văn bản quản lý nhà nước tại địa phương là nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, Sở thực hiện đảm bảo 100% VBQPPL của tỉnh mới ban hành được thẩm định, các VB quản lý nhà nước của các sở, ngành cũng được thẩm định đầy đủ. Bên cạnh đó, Sở cũng rất quan tâm đến công tác PBGDPL. Bên cạnh việc PBGDPL qua hoạt động của 2.070 tổ hoà giải cơ sở (với 15.072 hoà giải viên), Thái Bình còn có một mô hình PBGDPL rất đặc trưng là 285 Trung tâm học tập cộng đồng (do Hội khuyến học quản lý) tại 286 xã, phường, thị trấn. Ông Nguyễn Văn Hợi – Giám đốc Sở Tư pháp – cho biết, thực tế chứng minh các Trung tâm giáo dục cộng đồng là một hình thức PBGDPL hiệu quả, phù hợp với trình độ và cuộc sống của người dân, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.

Đặc biệt, Thái Bình là một trong không nhiều địa phương đạt và vượt chỉ tiêu do Bộ đề ra trong công tác THADS. Từ đầu năm đến nay, THADS tỉnh Thái Bình đã thi hành xong hoàn toàn 87% về việc (vượt 12%) và 80% về tiền (vượt 25%), giảm được 24% về việc và 34% về tiền đối với án tồn đọng. Theo đánh giá của ông Hoàng Đình Thạch – Phó Chủ tịch trường trực UBND tỉnh, có được kết quả trên là nhờ sự tích cực, trách nhiệm của tập thể cán bộ, chấp hành viên THA, cũng như sự phối kết hợp tốt giữa THA và các cơ quan, ban, ngành tại địa phương trong kiểm tra, phân loại các vụ án phải thi hành, đề ra phương án giải quyết thích hợp, nhất là đối với những vụ việc THA phức tạp, kéo dài.

Chưa thoát cảnh “cầm tay chỉ việc”

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hợi thừa nhận hoạt động tư pháp của tỉnh vẫn còn một số hạn chế như năng lực cán bộ chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao nên còn nhiều sai sót trong hoạt động nghiệp vụ (đặc biệt là công tác chứng thực, hộ tịch), công tác quản lý hoạt động luật sự, tư vấn pháp luật, giám định tư pháp, bán đấu giá… còn lỏng lẻo do cơ chế chưa được rõ ràng, chồng chéo.

Thực tế công tác tư pháp cơ sở tại Thái Bình cũng đặt ra nhiều vấn đề khiến chất lượng công việc và hoạt động của cán bộ tư pháp chưa cao. Ông Nguyễn Mạnh Viết – Trưởng phòng Tư pháp huyện Vũ Thư - băn khoăn khi tư pháp huyện vẫn phải “cầm tay chỉ việc” cho tư pháp xã dù 100% cán bộ tư pháp cấp xã ở Vũ Thư đã có trình độ trung cấp Luật trở lên. Hơn nữa, ông cho rằng, vì công tác tập huấn chuyên môn cho cán bộ tư pháp còn quá thưa thớt nên cán bộ tư pháp xã không thể cập nhật các nội dung chuyên môn, nghiệp vụ, qui định pháp luật kịp thời với sự phát triển.

Vấn đề khiến công tác tư pháp tại cơ sở ở Thái Bình còn “vấp váp” là sự phối hợp giữa cơ quan tư pháp và các cơ quan, ban, ngành khác tại địa phương, là lực lượng cán bộ tư pháp cơ sở quá “mỏng” nên luôn quá tải trong công việc.

Tăng cường tính chuyên nghiệp của cán bộ tư pháp

Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã đánh giá rất cao sự tham gia của ngành Tư pháp Thái Bình trong việc triển khai tốt các công tác của ngành, cũng như góp phần vào quá trình phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Nhưng Bộ trưởng cho rằng, trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền và công nghiệp hoá theo hướng hiện đại ở nước ta, tư pháp Thái Bình vẫn phải tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu của người dân, xã hội

Những vướng mắc của Thái Bình liên quan đến vấn đề nhân lực ngành Tư pháp cũng là vướng mắc chung của nhiều địa phương. Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, để ngành tư pháp Thái Bình có thể khắc phục hạn chế do vấn đề nhân lực, Bộ trưởng cho rằng, quan trọng là khâu tuyển dụng, sử dụng người nào, với cơ chế nào cho hiệu quả, tiết kiệm, phát huy được năng lực, tăng cường tính chuyên nghiệp trong hoạt động của cán bộ tư pháp.

Bộ trưởng đã bày tỏ sự cảm ơn với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã tạo điều kiện cho các công tác tư pháp ở Thái Bình bám sát được các nhiệm vụ của ngành, của tỉnh, đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đề nghị chính quyền tỉnh xem xét tăng thêm biên chế cho tư pháp cấp huyện, chỉ đạo sự phối hợp giữa các ngành của tỉnh với tư pháp, ban hành những qui định để thống nhất quản lý hoạt động bán đấu giá tài sản, hỗ trợ để THA “xứng tầm nhiệm vụ” sau khi có Luật THADS… nhằm giải quyết một số vấn đề vướng mắc và tăng cường tính hiệu quả trong công tác tư pháp địa phương./.

Hương Giang