Năm 2007 là năm Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp được triển khai trên diện rộng và có chiều sâu. Bộ đề ra 13 giải pháp để hoàn thành số lượng lớn công việc, đặc biệt việc thực hiện đúng các cam kết thành viên WTO theo lộ trình đòi hỏi đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.
Năm 2006 là năm Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật với nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt là phục vụ quá trình cải cách hành chính; tạo môi trường sản xuất - kinh doanh thuận lợi; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.... Toàn ngành tư pháp đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng pháp luật theo đúng kế hoạch.
Năm qua, công tác thi hành án dân sự có sự chuyển biến tích cực, số việc đã thi hành xong đạt 71,15% trên tổng số việc có điều kiện thi hành; số tiền thu tăng so với năm trước là trên 437 tỷ 381 triệu đồng. Nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài được giải quyết dứt điểm. Thể chế về thi hành án dân sự tiếp tục được hoàn thiện. Bộ Tư pháp phối hợp với cơ quan hữu quan ban hành 9 văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả công tác thi hành án.
Công tác phổ biến giáo dục pháp luật năm 2006 thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Nội dung tuyên truyền được chọn lọc sát với nhu cầu của từng đối tượng, địa phương.
Bên cạnh việc phổ biến các văn bản mới, hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật còn chú trọng giới thiệu các kiến thức liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế và đặc biệt là các nội dung liên quan trực tiếp đến người dân. Hoạt động này tiếp tục hướng mạnh về cơ sở với đối tượng ưu tiên là đội ngũ cán bộ chính quyền cơ sở, nhất là ở khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm qua đánh dấu bước phát triển mới về chất của công tác trợ giúp pháp lý. Luật Trợ giúp pháp lý do Bộ chủ trì soạn thảo đã được Quốc hội thông qua tạo tiền đề về pháp lý cho công tác này phát triển. Đến nay tất cả các địa phương đã thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động đến 100% xã của tỉnh. Cuối tháng 10/2006 đã có 135.125 đối tượng chủ yếu là người nghèo và đối tượng chính sách được trợ giúp pháp lý.
Hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật được mở rộng. Trong đó hợp tác với Cộng đồng Châu Âu (EU) có bước phát triển mới (với việc hoàn thành đề án tổng thể quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp với EU đến năm 2010) hay dự án hợp tác với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA)... là minh chứng cho sự phát triển này.
Đặc biệt, năm 2006 ngành Tư pháp có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Bộ đã chủ động đề xuất và phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc thẩm định, góp ý các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ việc đàm phán gia nhập WTO. Với tư cách là thành viên của Chính phủ tham gia quá trình đàm phán, ngành đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ đàm phán gia nhập và thực hiện các cam kết của WTO; phối hợp với Bộ Thương mại xây dựng Tờ trình Quốc hội phê chuẩn việc Việt Nam gia nhập WTO; soạn thảo Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam và việc sửa đổi luật, pháp lệnh cho việc thực thi các cam kết của WTO.
Bộ Tư pháp sẽ đẩy mạnh công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Hoàn thành với chất lượng cao và đúng tiến độ các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do ngành Tư pháp chủ trì soạn thảo theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Chính phủ năm 2007. Chủ động rà soát, đối chiếu các quy định của pháp luật Việt Nam so với các quy định của WTO và các cam kết cụ thể của Việt Nam với thành viên WTO. Trên cơ sở đó đề xuất việc sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật nước ta đáp ứng nhu cầu hội nhập; nâng cao chất lượng công tác thẩm định dự thảo các điều ước quốc tế ...
Đối với công tác thi hành án dân sự, Bộ xúc tiến để hoàn chỉnh dự thảo Bộ luật Thi hành án để trình Quốc hội; đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó ưu tiên các văn bản điều chỉnh một số lĩnh vực bức xúc mà thực tiễn đang đặt ra. Cơ quan chức năng rà soát phát hiện để loại bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, bất hợp lý. Chú trọng công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp, ý thức công vụ đối với đội ngũ cán bộ, chấp hành viên đi liền với việc xiết chặt kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ. Tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động thi hành án, đặc biệt là đối với những nơi có đơn thư khiếu nại kéo dài.Trong năm nay phấn đấu thi hành xong 75% về việc và 55% về tiền trong số việc có điều kiện thi hành.
Cải cách mạnh mẽ thủ tục giải quyết công việc để công tác hành chính tư pháp thật sự thân thiện với người dân, trong đó chú trọng việc xây dựng và hoàn thiện thể chế của công tác hành chính tư pháp, tập trung vào việc xây dựng Nghị định của Chính phủ về chứng thực, Nghị định của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Công chứng; Thông tư liên tịch về chuyển đổi Phòng Công chứng; Quy chế tập sự hành nghề công chứng; Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng... Trên cơ sở tổng kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp theo hướng "giao quyền chủ động hơn cho chính quyền địa phương" theo Đề án phân cấp quản lý hành chính trong ngành tư pháp đã được phê duyệt ./.
(TTXVN)