Chỉ thị 32/2006/CT-TTg về chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính phát huy tác dụng tích cực trong đời sống

05/01/2007
Cách đây gần 4 tháng, ngày 07/9/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị về một số biện pháp cần làm ngay để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của nhân dân và doanh nghiệp. Ngay lập tức, Chỉ thị đã được nhân dân, các doanh nghiệp nhiệt liệt hoan nghênh, hưởng ứng.

Có thể nói, Chỉ thị 32/2006/CT-TTg thể hiện rõ sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cụ thể là công tác cải cách thủ tục hành chính. Chỉ gần 4 tháng kể từ khi ban hành, Chỉ thị đã được các bộ, ngành và địa phương quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, từng bước cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã ban hành các chỉ thị hoặc kế hoạch để cụ thể hóa và triển khai Chỉ thị 32/2006/CT-TTg.

Các địa phương như Hà Nội, Ninh Thuận, Hà Tĩnh đã thành lập các đoàn công tác liên ngành để kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị tại các cơ sở, các cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện, cấp xã và các tổ chức dịch vụ công trên địa bàn. UBND Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã kết hợp mô hình cơ chế "một cửa" với việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, tổ chức lấy ý kiến thăm dò của người dân và doanh nghiệp về tinh thần và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Hầu hết các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung rà soát, đánh giá các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý liên quan đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để tự sửa đổi hoặc kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung theo hướng đơn giản hoá, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

 Các quy định nội bộ về quy trình, thủ tục hành chính trong việc tiếp nhận và xử lý công việc của người dân và doanh nghiệp như quy chế làm việc, quy trình xử lý công việc cũng đã được các Bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá để loại bỏ những khâu trung gian, những thủ tục, giấy tờ bất hợp lý, không thật cần thiết.

Nhiều Bộ, ngành, địa phương đã tiến hành công khai các quy trình, điều kiện, thủ tục, thời hạn giải quyết, mức thu các loại phí, các loại biểu mẫu và các quy định liên quan đến việc giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp trên Website của Bộ, ngành, địa phương mình.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 32/2006/CT-TTg còn bộc lộ những hạn chế: Công tác rà soát, sửa đổi thủ tục hành chính ở một số bộ, ngành, địa phương tiến hành chậm, chưa thật sự hiệu quả; tình trạng không tuân thủ các quy định về niêm yết công khai các quy trình, thủ tục hành chính tại một số địa phương còn khá phổ biến; nhiều bộ, ngành, địa phương không chấp hành đúng chế độ báo cáo định kỳ theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Nhưng nhìn một cách tổng thể, Chỉ thị 32/2006/CT-TTg đã có tác động tích cực, kịp thời đối với việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp, nhất là tăng cường trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương đối với công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính. Việc làm này đã nhận được sự quan tâm và đồng tình của dư luận xã hội, góp phần tích cực trong việc cải thiện mối quan hệ giữa các cơ quan hành chính nhà nước với người dân và doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, kinh doanh.

(Theo website Chính phủ)