Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã nhấn mạnh như vậy trong Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2007 ngày 3/1, tại Hà Nội.
Năm 2006, nhờ sự đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ; quyết tâm đẩy mạnh cải cách tư pháp... công tác tư pháp đã đạt được nhiều thành tựu và có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa. Đây cũng là năm ngành Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật với nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt là phục vụ quá trình cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh để phát triển kinh tế; bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tạo tiền đề pháp lý cho quá trình hội nhập quốc tế. Bộ Tư pháp đã giúp Chính phủ soạn thảo, hoàn chỉnh dự thảo các luật như: Luật sư, trợ giúp pháp lý, công chứng... các Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội... Toàn ngành đã kiểm tra được số lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật, trong đó bước đầu phát hiện 6.782 văn bản có nội dung trái luật quy định. Công tác giải quyết khiếu nại về thi hành án được quan tâm hơn. Nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài lâu năm được giải quyết dứt điểm...
Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, hoạt động của ngành vẫn còn có những hạn chế cần phải khắc phục kịp thời. Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cho rằng: Hiện nay, hoạt động chỉ đạo của ngành tư pháp chưa thực sự quyết liệt dẫn đến chất lượng thực hiện công việc chưa tốt. Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra và rà soát, hệ thống hóa văn bản vẫn chậm tiến độ; chất lượng ý kiến thẩm định chưa cao. Ngoài ra, hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật còn chưa đồng bộ, có nơi vẫn mang tính hình thức; chưa đi vào chiều sâu, đi vào từng địa bàn, đối tượng cụ thể. Việc tổ chức thi hành án còn chưa chuẩn xác, sai sót... Trình độ năng lực của cán bộ tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn. Bên cạnh đó ý thức công vụ, thái độ làm việc của một bộ phận cán bộ tư pháp chưa cao gây nên tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho nhân dân khi thực hiện công chứng, chứng thực...
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã đưa ra những yêu cầu cụ thể để ngành tư pháp nỗ lực phấn đấu và thực hiện trong thời gian tới. Trước hết, ngành cần phải nỗ lực và có những giải pháp cụ thể đối với công tác xây dựng thể chế. Coi trọng, nắm bắt kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng để tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; có tầm nhìn chiến lược; kết hợp nghiên cứu và khảo sát thực tiễn; nâng cao tính cụ thể, khả thi của các văn bản được ban hành. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, chú trọng xây dựng nội dung sát với nhu cầu thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng được tuyên truyền; hướng mạnh phổ biến giáo dục pháp luật về cơ sở. Đối với thi hành án dân sự, Phó Thủ tướng cho rằng: Đây là công việc quan trọng của ngành tư pháp, liên quan trực tiếp đến kỷ cương phép nước, vì vậy cần phải phát huy tốt vai trò của công tác này để đảm bảo lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Cần đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong công tác thi hành án dân sự; tập trung giải quyết một bước căn bản số án dân sự tồn đọng. Ngoài ra, Phó Thủ tướng nhắc nhở ngành cần phải chú trọng xây dựng và và hoàn thiện thể chế của công tác hành chính tư pháp, lấy tinh thần phục vụ nhân dân làm trung tâm. Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phục vụ cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, ngành Tư pháp cần nâng cao vai trò và trách nhiệm pháp trong phòng chống tham nhũng.
(Theo website Chính phủ)