Nhiều chuyển biến tích cực trong công tác cải cách tư pháp

03/08/2006
Ngày 2/8/2006, phiên họp lần thứ 14 của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp đã diễn ra tại Hà Nội. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp chủ trì phiên họp.

 Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo đã trình bày báo cáo Tình hình triển khai nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và kết quả 6 tháng đầu năm thực hiện chương trình trọng tâm công tác tư pháp 2006.

Thời gian qua, các cơ quan tư pháp Trung ương và cấp uỷ các địa phương đã triển khai nghiêm túc và toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp. Những kết quả bước đầu đã và đang tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, chiến sỹ của các cơ quan tư pháp, từng bước kiện toàn tổ chức và tăng cường năng lực của các cơ quan này, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trong thời gian qua. Một số kiến nghị của các cơ quan tư pháp Trung ương và địa phương nhằm kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc, thúc đẩy nhanh và có hiệu quả tính trình cải cách tư pháp của nước ta đã được đề xuất.

Tại phiên họp, đồng chí Lê Thị Thu Ba, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ tư pháp đã báo cáo về "Dự án bộ luật thi hành án", đồng chí Nguyễn Văn Hiện, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chánh án toà án nhân dân tối cao báo cáo về "Công tác tăng cường thẩm quyền toà án cấp huyện và việc chuẩn bị thành lập các toà án khu vực"; đồng chí Hà Mạnh Trí, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao; đồng chí Trần Văn Thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, báo cáo về việc thành lập cơ quan chuyên trách chống tham nhũng…

Hội nghị nhất trí tiếp tục chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ; tăng cường cán bộ đủ phẩm chất, năng lực nhằm thực thi tốt Nghị quyết số 49/NQ-TW.

Thông qua việc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 49/NQ-TW, nhận thức của lãnh đạo và cán bộ, công chức, chiến sỹ các cơ quan tư pháp từ Trung ương đến địa phương đối với hoạt động tư pháp và việc thực hiện chủ trương cải cách tư pháp đã được nâng cao, nhất là nhận thức về mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và ý nghĩa quan trọng của cải cách tư pháp trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

(Theo website Đảng Cộng sản)