Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh; Tiếp tục các giải pháp duy trì đà phát triển kinh tế xã hội

02/08/2006
Như đã đưa tin, trong hai ngày 31/7 và 1/8, tại Hà Nội, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 7/2006 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Phạm Gia Khiêm, Trương Vĩnh Trọng. Các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận 8 dự thảo Luật, pháp lệnh, Nghị định và bàn giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, ban hành văn bản qui định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh.

Theo báo cáo của Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong soạn thảo và đệ trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội các dự án luật, pháp lệnh theo đúng tiến độ, chương trình của Quốc hội. Tuy nhiên, công tác xây dựng và ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Tính đến ngày 25/7, số văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh còn chưa ban hành là 134 văn bản, trong đó có 52 dự thảo văn bản các Bộ, ngành đã trình, Văn phòng Chính phủ đang xử lý; 82 văn bản các bộ, ngành chưa trình (chưa kể các văn bản mới phát sinh từ 10 luật và 01 nghị quyết đã được Quốc hội thông qua) đã làm cho các luật, pháp lệnh chậm đi vào cuộc sống do phải chờ văn bản hướng dẫn thi hành.

Đa số các thành viên Chính phủ đều nhất trí nguyên nhân chủ yếu do áp lực xây dựng luật, pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành ngày càng tăng để đáp ứng yêu cầu của Quốc hội và thực tiễn cuộc sống, trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong khi đó năng lực của đội ngũ cán bộ tham gia soạn thảo các văn bản qui phạm pháp luật còn nhiều hạn chế, kinh phí và thời gian đầu tư cho công việc này chưa thỏa đáng.

Sau khi nghe Văn phòng Chính phủ trình bày 8 giải pháp cấp bách để giải quyết căn bản tình trạng nợ đọng trên và ý kiến đóng góp của các Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Thương mại, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Uỷ ban Dân tộc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận vấn đề này, yêu cầu Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp làm việc cụ thể với các Bộ, cơ quan tập trung rà soát chương trình, lập danh mục xây dựng và trình các văn bản còn nợ đọng, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan phối hợp, tiến độ thời hạn trình và ban hành. Thủ tướng nêu rõ, trong đó cần xem xét thứ tự văn bản ưu tiên ban hành trước, phấn đấu đến tháng 10/2006 phải ban hành hết số văn bản hướng dẫn luật, pháp lệnh còn nợ đọng và từ tháng 8/2006 trình báo cáo về tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết về hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh tại phiên họp Chính phủ. Các Bộ, cơ quan có trách nhiệm chủ trì soạn thảo cần xác định rõ danh mục văn bản còn nợ thuộc trách nhiệm của Bộ để tăng cường cán bộ, quan tâm chỉ đạo. Đồng thời các Bộ, cơ quan có trách nhiệm tham gia soạn thảo cho ý kiến, thẩm định, thẩm tra phải thực hiện nghiêm túc Quy chế làm việc của Chính phủ, trả lời ý kiến đúng nội dung, thời gian. Trường hợp văn bản chậm trả lời thì người đứng đầu cơ quan được hỏi ý kiến phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các Bộ hàng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ mà Bộ, cơ quan ngang Bộ đã được phân công đảm nhận.
Cũng tại phiên họp lần này, Chính phủ đã xem xét Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, báo cáo kết quả giao ban sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 7 và 7 tháng  đầu năm do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư trình; Báo cáo tình hình thương mại tháng 7 năm 2006 do Bộ Thương mại trình. Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Kinh tế nước ta tiếp tục phát triển tốt. Giá trị sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao hơn cùng kỳ năm trước; sản xuất nông nghiệp ổn định, dịch lở mồm long móng và dịch cúm gia cầm được khống chế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và kinh doanh dịch vụ, hoạt động du lịch, vận tải hàng hóa và hành khách, dịch vụ bưu chính viễn thông đều tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng, trong đó, các mặt hàng chủ lực có tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2005; tỷ lệ nhập siêu tiếp tục giảm; thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng khá; lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ ổn định; giá cả tiêu dùng tăng thấp; trật tự xã hội, an ninh, quốc phòng tiếp tục ổn định. Công tác giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, chăm sóc người có công, xoá đói giảm nghèo... đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh, tiến độ giải ngân nguồn vốn, đặc biệt là vốn trái phiếu Chính phủ và tín dụng đầu tư chậm so với kế hoạch. Giá cả  vật tư nhập khẩu thiết yếu cho sản xuất có nhiều diễn biến phức tạp. Thời tiết, bệnh dịch diễn biến bất thường gây ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống nhân dân; tình hình trật tự an toàn giao thông tuy đã giảm cả về số vụ, số người chết, người bị thương nhưng vẫn còn ở mức cao. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, tham nhũng lãng phí, tệ nạn xã hội... vẫn chưa ngăn chặn và đẩy lùi có hiệu quả.

Nhằm góp phần hoàn thành tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu: Các Bộ, ngành, địa phương bám sát diễn biến tình hình thực tế, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thực hiện các biện pháp tiết kiệm, giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát giá cả thị trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư, tiết kiệm chống lãng phí; tập trung thực hiện lộ trình gia nhập WTO, chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức tốt thành công Hội nghị cấp cao APEC./.

(Theo website Chính phủ)