Thành công bước đầu trong việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại

25/08/2015
Thành công bước đầu trong việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại
Hôm nay - 25/8, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị Tổng kết về việc tiếp tục thực hiện thí điểm Thừa phát lại (TPL) theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định TPL TW chủ trì hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có đồng chí Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo; Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn, Phó Trưởng ban chỉ đạo; đại diện Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; đại diện một số Bộ, ngành; đại diện Thành ủy, Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp, Ban chỉ đạo thực hiện TPL và các cơ quan tư pháp ở địa phương; Trưởng các Văn phòng TPL tại các địa phương mở rộng thí điểm.

TPL giúp cho hoạt động tư pháp đúng pháp luật và hiệu quả hơn

Báo cáo tại hội nghị tổng kết, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Hoàng Sỹ Thành cho biết, công tác chuẩn bị, triển khai thực hiện Nghị quyết 36 như xây dựng đề án, quán triệt triển khai; xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn giải quyết khó khăn; thông tin tuyên truyền; bồi dưỡng tập huấn, bổ nhiệm TPL; công tác kiểm tra, kiểm sát, giám sát; công tác sơ, tổng kết khảo sát thực hiện thí điểm đã được triển khai một cách nghiêm túc, đạt nhiều kết quả. Đến nay cả nước đã có 53 Văn phòng TPL được thành lập. Tính đến ngày 31/7/2015, các Văn phòng TPL đã tống đạt được 819.044 văn bản, lập 39.027 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 781 việc, trực tiếp tổ chức thi hành án 322 vụ việc, đạt tổng doanh thu là 119 tỷ 231 triệu 993 nghìn đồng.

 

 Bộ trưởng Hà Hùng Cường

 

Đánh giá tác động của chế định TPL, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Hoàng Sỹ Thành nhấn mạnh: việc thí điểm TPL không cản trở mà còn góp phần hỗ trợ, giúp cho hoạt động tư pháp đúng pháp luật, hiệu quả hơn. Hoạt động TPL góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bổ trợ tư pháp mà Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đã đề ra. Hoạt động của TPL đã góp phần bảo đảm môi trường pháp lý lành mạnh, đảm bảo các giao dịch dân sự, kinh tế đúng pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích của các bên khi tham gia các quan hệ này.

Từ kết quả triển khai thí điểm TPL, Bộ Tư pháp đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết cho thực hiện chính thức chế định TPL và ban hành Luật TPL để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện hiệu quả chế định này.

Xã hội hóa công tác Thi hành án dân sự theo lộ trình, chuyển dần lực lượng thi hành án sang làm TPL

Nhất trí với dự thảo báo cáo của Chính phủ về đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thực hiện chính thức chế định TPL trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Tất Thành Cang thì một trong các giải pháp có tính đột phá trong cải cách tư pháp là xây dựng cơ chế cho phép các cơ quan Thi hành án dân sự được chuyển đổi thành các Văn phòng TPL cũng như cơ chế khuyến khích các Chấp hành viên chuyển sang hành nghề TPL – ông khẳng định: “Nếu như vậy, chắc chắn TPL sẽ phát triển mạnh mẽ, có tính bước ngoặt trong thời gian tới”.

 

Toàn cảnh Hội nghị

 

Đồng tình với Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phan Hồng Sơn cũng đề nghị “xã hội hóa công tác Thi hành án dân sự theo lộ trình, chuyển dần lực lượng thi hành án sang làm TPL, góp phần giảm tải biên chế cho nhà nước. Chỉ nên giữ một phần cán bộ thi hành án dân sự ở Trung ương và cấp tỉnh để làm công tác quản lý”.

Nêu rõ quan điểm ủng hộ thực hiện chế định TPL, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cũng chia sẻ một số băn khoăn: “thừa phát lại thực hiện cưỡng chế thi hành án dân sự như thế nào, việc cưỡng chế có mang tính quyền lực nhà nước hay không? việc kiểm soát giữa các cơ quan hành pháp, tư pháp, lập pháp ra sao?”. Phó Chánh án cũng cho biết “Cơ quan tòa án và thi hành án vẫn e dè trong việc ký hợp đồng với TPL, vì hiện nay thí điểm kinh phí do nhà nước cấp, sau này hết thí điểm, Nhà nước không cấp nữa thì thực hiện ra sao, nếu không tính toán hết được thì chế định sẽ bị đổ vỡ”.

 

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn

 

Khẳng định thí điểm TPL trên địa bàn tỉnh Bình Dương bảo đảm tiến độ và đạt được thành công bước đầu, ông Huỳnh Ngọc Đáng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XIII tỉnh Bình Dương cho biết, VKSND cấp huyện nơi có trụ sở Văn phòng TPL đã tiến hành kiểm sát trực tiếp việc tuân thủ pháp luật của các TPL trong hoạt động tống đạt, xác minh điều kiện thi hành án, trực tiếp tổ chức thi hành án. Kết quả cho thấy các hoạt động của TPL bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật. HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát tình hình, kết quả giám sát đã đánh giá quá trình triển khai thực hiện thí điểm TPL trên địa bàn tỉnh Bình Dương bảo đảm tiến độ và đạt được thành công bước đầu.

 

   

Ông Huỳnh Ngọc Đáng cũng cho biết, “Thí điểm TPL được người dân đón nhận tích cực, khẳng định mô hình TPL phù hợp với chủ trương cải cách hành chính, cải cách tư pháp”. Hoạt động TPL bước đầu góp phần giảm tải công việc của Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự, tạo lập một nghề mới cung cấp dịch vụ pháp lý và là bước đầu tiên xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự, tạo thêm việc làm, khai thác có hiệu quả nguồn lực xã hội, nhất là nguồn nhân lực có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực xét xử, thi hành án đã nghỉ hưu hoặc chuyển ngành.

Đồng thuận cao về sự cần thiết của việc tiếp tục mở rộng và tăng cường vai trò của TPL

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đánh giá: việc triển khai thí điểm từ Trung ương đến địa phương đã được thực hiện nghiêm túc, đạt nhiều kết quả quan trọng dù thời gian thí điểm rất ngắn. Bộ trưởng cho biết “điều đáng mừng là không chỉ TPCHM thí điểm thành công chế định TPL, mà đã lan tỏa ở Hà Nội, qua ý kiến phát biểu của các tỉnh cho thấy sự đồng thuận cao về sự cần thiết của việc tiếp tục mở rộng và tăng cường vai trò của TPL trong thời gian tới. Chỉ ra những hạn chế, khó khăn, Bộ trưởng cũng yêu cầu cần nhận diện rõ những nguyên nhân cả chủ quan và khách quan dẫn đến hạn chế này. Trên cơ sở các ý kiến tại Hội nghị, các đơn vị chức năng sẽ chỉnh lý, hoàn thiện báo cáo dự thảo trình Chính phủ, kiến nghị Quốc hội ra Nghị quyết tiếp tục thực hiện. Bên cạnh đó, cần khẩn trương xây dựng để trình Chính phủ Luật TPL.

 

Hoàng Vy Anh