Tổng cục Thi hành án dân sự làm việc với Hội đồng Thừa Phát lại quốc gia Cộng hòa Pháp

22/04/2015
Tổng cục Thi hành án dân sự làm việc với Hội đồng Thừa Phát lại quốc gia Cộng hòa Pháp
Sáng 21/4, Tổng cục Thi hành án dân sự đã có buổi làm việc với Đoàn Hội đồng Thừa Phát lại quốc gia Cộng hòa Pháp do ngài Patrich Safar, Phó Chủ tịch Hội đồng dẫn đầu. Tổng cục trưởng Hoàng Sỹ Thành, các Phó Tổng Cục trưởng và lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục cùng tham dự buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Hoàng Sỹ Thành đã giới thiệu tổng quan về công tác thi hành án của Việt Nam thời gian qua và cho biết: Tính đến ngày 31/03/2015, thực hiện Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội, chế định thừa phát lại đã được thí điểm tại 13 địa phương trong cả nước với 51 Văn phòng Thừa phát lại được thành lập; hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại đã thu được kết quả khá tốt, với doanh thu đạt hơn 73 tỷ đồng, trong đó hiệu quả nhất là hoạt động lập vi bằng, tống đạt văn bản của cơ quan Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự, xác minh điều kiện thi hành án. Thừa phát lại đã bắt đầu trở thành một nghề, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình. Tuy nhiên, để chế định này thực sự đi sâu vào đời sống xã hội của Việt Nam là cả một chặng đường dài. Vì vậy, Tổng cục trưởng mong muốn được học hỏi thêm kinh nghiệm thực hiện chế định thừa phát lại của Cộng hòa Pháp và trao đổi kinh nghiệm về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hành nghề của những người hành nghề thừa phát lại. 

 

 

Với kinh nghiệm hỗ trợ nhiều nước chuyển đổi thành công mô hình từ cơ quan thi hành án nhà nước sang mô hình Thừa phát lại, Phó Chủ tịch Hội đồng Thừa Phát lại quốc gia Cộng hòa Pháp Patrich Safar cho rằng hình thành và phát triển nghề thừa phát lại cần rất nhiều thời gian và ý chí. Đặc biệt, cần phải nâng cao chất lượng của đội ngũ thừa phát lại và phải có sự truyền thông thích đáng để người dân hiểu và tin tưởng vào chế định này. Ông cũng lưu ý cần có sự giám sát chặt chẽ của nhà nước đối với chế định thừa phát lại và quan tâm tới thu nhập của người hành nghề thừa phát lại mới đảm bảo sự tồn tại và phát triển lâu dài của chế định này.